Tin tức

Nhiều công nhân lao động ở cao nguyên “đỏ mắt” tìm việc làm mùa dịch

20/09/2021

Sau khi trở về từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh để tránh dịch COVID-19, nhiều công nhân lao động trẻ ở tỉnh Gia Lai đã nỗ lực tìm kiếm việc làm tại quê nhà. Tuy nhiên, hành trình tìm công việc giữa mùa dịch cũng gian nan.  


Trong căn nhà nhỏ ở xã Ia Der, huyện Ia Grai, H’Lương (23 tuổi) gương mặt không giấu được nỗi buồn. Từ Bình Dương về nhà nghỉ tránh dịch được hơn tháng, H'Lương bắt đầu hỏi thăm qua bạn bè, người thân quen để kiếm việc làm trên địa bàn huyện. Bạn bè thương tình giới thiệu cho H'Lương vào công ty chế biến sản phẩm và bảo quản hạt điều. Tuy nhiên, sau nhiều lần gõ cửa, H’Lương chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Hiện tỉnh Gia Lai cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên các nhà máy, xí nghiệp đã luân phiên cắt giảm công suất, cắt giảm số lượng nhân công làm việc. Vì vậy, niềm hy vọng có việc làm tay chân thời điểm này của H’Lương trở nên mong manh.  

Công nhân hồi hương ở Gia Lai khó khăn khi
tìm kiếm việc làm mới, vì nhiều nhà máy đã
đủ số lượng người cần thiết. Ảnh T.T
Trước thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, H’Lương khăn gói theo chị gái vào tỉnh Bình Dương làm công nhân trong xưởng gỗ. Công việc nặng nhọc, ngày làm 8 tiếng đồng hồ nhưng đổi lại, em và gia đình có công việc ổn định, để trang trải ăn ở, sinh hoạt và dành dụm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu lan nhanh ra nhiều địa phương thì công việc ở nhà máy gỗ trở nên thất thường. Công ty đóng cửa, H’Lương và người chị gái buộc phải tìm đường trở về quê trong khi chưa kịp lãnh 3 tháng lương. “Ruộng vườn ở quê ít, đời sống khó khăn nên các khoản thu nhập không đáng bao nhiêu. Em đang hy vọng các nhà máy nối lại sản xuất, các đơn hàng để xin vào làm việc dù mức lương có thấp hơn so với ngày thường, miễn là có khoản tiền nhỏ để sống sót qua mùa dịch bệnh”, H’Lương tâm sự.
Sau khi Gia Lai gỡ Chỉ thị 16 đối với một số địa phương, Puih Bia (21 tuổi, trú xã Ia Kênh, TP. Pleiku) vội vàng tìm kiếm thông tin tuyển dụng, tờ rơi ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Nhiều năm về trước, Puih Bia là công nhân khai thác mủ cao su ở huyện Chư Prông. Khi mủ cao su rớt giá xuống thấp khiến đời sống của công nhân khó khăn, Bia đã khăn gói theo bạn bè vào miền Nam làm công nhân may ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Miệt mài làm công nhân nơi xứ người nhiều năm cũng chỉ đủ chi phí ăn uống, sinh hoạt. Mới qua 3 tháng dịch bệnh, số tiền trong túi Puih Bia cũng cạn dần kèm theo nỗi lo lắng ngày một tăng nên đã quay về quê. “Em làm đơn xin việc lại tại các công ty cao su ở huyện Chư Prông, tuy nhiên Giám đốc các nông trường đang hứa hẹn và bảo chờ thời gian dịch bệnh ổn định mới có quyết định tuyển dụng. Vì bản thân mình rời bỏ công ty trước đó nên khi quay trở lại rất khó để người ta chấp nhận”, Puih Bia chia sẻ. Thông qua bạn bè, người quen, Puih Bia xin đi rải thảm nhựa, uốn sắt thép cho các dự án công trình giao thông, mỗi ngày kiếm được 150.000 – 200.000 đồng nhưng cũng thất thường. Vì hiện tại Tây Nguyên đang mùa mưa, nhà thầu chỉ làm cầm chừng các hạng mục dự án. Họ cũng ưu tiên cho đội ngũ nhân công đã gắn bó và làm việc với họ từ lâu.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>