Tin tức

Lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

13/03/2023
Đề xuất tăng thời gian cho thuê đất nông nghiệp vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn; Cần quy định cụ thể về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đề xuất tăng thời gian cho thuê đất nông nghiệp vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn

Chiều ngày 07/3/2023, Trung ương Hội nông dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị kết nối trực tuyến Lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung đề xuất tăng thời gian cho thuê quỹ đất nông nghiệp vào mục đích sử dụng đất công ích của xã, phường, thị trấn, thay vì quy định 5 năm như dự thảo luật hiện nay. Bởi thời hạn 5 năm là quá ngắn, không đủ thời gian đầu tư và thu hồi vốn cho người dân.
“Trong trường hợp địa phương chưa có nhu cầu sử dụng mà hiện tại người thuê đất hoặc tổ chức thuê đất sử dụng đúng quy hoạch, đúng mục đích, sản xuất có hiệu quả thì cho phép được gia hạn. Đây đúng từ thực tế nông nghiệp nếu không người dân không dám đầu tư hoặc không dám thuê’’, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội, nêu ý kiến. “Xem xét tăng thời gian cho thuê đất công ích lên 10 năm, hoặc có thể tính toán đến phương án xem xét mục đích sử dụng của người thuê thì có thể tính khung thời gian cụ thể đối với nhóm ngành nghề”, ông Hoàng Ngọc Chính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, đề xuất.
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư
“Tôi đề nghị nâng lên 10 năm vì 10 năm là một kỳ kế hoạch. Thời gian trước đó không trùng với kỳ kế hoạch’’, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết. Bên cạnh đó, nội dung về mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
PGS.TS Trần Kim Chung – Nguyên Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu thực tế: “Vấn đề tích tụ đất đai, xác lập quỹ đất cho các thành phần kinh tế tập thể cũng như ưu đãi về giá và cho thuê đất đều là vướng mắc trong thực tiễn đối với kinh tế tập thể. Nghị quyết 20 chỉ rõ quan điểm chủ trương này, nhưng trong dự thảo luật mới chỉ đưa ra quy định tập trung và tích tụ đất đai nói chung cho các tổ chức, cá nhân”.
“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có 1 chương quy định riêng đối với đất đai của hợp tác xã, nhất là thể chế hóa quy định của Luật Dân sự về sở hữu chung. Thứ hai là thể chế hóa đầy đủ chính sách của Đảng và nhà nước đối với kinh tế tập thể’’, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đã đề xuất cần quy định chính sách đặc thù về giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế tập thể, tạo điều kiện tập trung ruộng đất để đưa kinh tế hộ lên sản xuất hàng hóa lớn, giao đất, cho thuê đất đối với hợp tác xã. Đặc biệt, cần bổ sung các điều kiện để hợp tác xã có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm đầu tư bến bãi kho tàng, nhà xưởng chế biến và nâng thời hạn thuê đất công ích lên 20 – 30 năm thay vì 5 năm như hiện nay.
Cần quy định cụ thể về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của 10 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc vào dự Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp là quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bởi trên thực tế, nhiều trường hợp người dân vẫn khó tiếp cận thông tin hoặc tham gia góp ý đối với kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
“Phải quy định rõ nội dung lấy ý kiến trực tiếp nhân dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện cấp xã. Nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, ấp, tổ dân phố’’, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết. “Kế hoạch, quy hoạch cần phải được thông báo đến người dân, công khai đến người dân ở tận khu dân cư. Thông báo có thể bằng loa truyền thanh, hoặc bằng việc họp thôn thì người dân mới biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, bà Nguyễn Tư Liên, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh Tuyên Quang, nêu ý kiến.
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Một số đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể đối với vấn đề đất đai liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. “Luật Đất đai cần phải có một mục riêng, trong đó có quyền của cá nhân, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài luật, còn phong tục tập quán, luật tục của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số’’, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh.
“Tại khoản 3, điều 52 quy định cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do nhà nước giao, đất theo chính sách hỗ trợ của nhà nước được quyền chuyển nhượng, cho, tặng quyền sử dụng đất sau 10 năm. Về vấn đề này, bản thân tôi rất băn khoăn. Bởi vì trên thực tế đã có tình trạng do nghèo đói đã có một số đồng bào dân tộc thiểu số chuyển nhượng, cầm cố đất đai sau đó không có khả năng mua lại’’, bà Đinh Thị Chuyên San, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, cho biết. Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với các quy định về thu hồi, trưng dụng đất và cơ chế giải quyết tranh chấp trong dự luật.
“Ví dụ chúng ta nói Nhà nước có chính sách thì các ý kiến cho rằng phải mạnh mẽ hơn là nhà nước phải bảo đảm có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu những ý kiến này’’, ông Đào Trung Chính, Trưởng Ban Soạn thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT, nhận định. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến xác đáng, đồng thời bày tỏ mong muốn được tiếp nhận nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp của người nông dân – lực lượng chiếm tới hơn 61% dân số. Ý kiến của lực lượng này sẽ có tác động rất lớn tới quá trình xây dựng chính sách đất đai, các vấn đề nông dân nông thôn, đặc biệt là mục tiêu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>