Tin tức

Kỹ thuật mới mang lại hy vọng cho sự phát triển của ngành cao su Philippines

26/04/2019

 Chương trình Phát triển Cao su của chính quyền tỉnh North Cotabato, Philippines đã mang đến hy vọng cho những người nông dân cao su trong việc tăng sản lượng bằng cách sử dụng kỹ thuật mới và quản lý canh tác tốt với chi phí thấp hơn.


 Trang trại Myrna Gonzales đã sử dụng công nghệ "túi lớn" với cây giống cao su non trong số 1.800 cây cao su hiện có, được thực hiện theo chương trình “Trồng ngay, thanh toán sau” của tỉnh North.

Trang trại này đã trồng 4 ha cao su và trở thành một mô hình mẫu cho chương trình của của tỉnh North Cotabato do Thống đốc Emmylou Taliño-Mendoza khởi xướng để giúp nông dân cải thiện sản lượng, thu nhập, tăng giá bán mủ và ngăn chặn tình trạng bất cập trong nhiều năm ở North Cotabato.
Bà Mendoza cho biết kỹ thuật này được giới thiệu thông qua hợp tác với Công ty Phát triển Cao su Platinum sử dụng kiến thức chuyên môn được do một cựu giám đốc điều hành của Goodyear Tires Philippines chia sẻ.
“Loại giống mới đang được sử dụng cho thời kỳ kiến thiết cơ bản”, bà Mendoza cho biết.
Bà Mendoza cho biết cũng muốn chấm dứt sự bất cập, trong đó có hiện tượng người không có đất được nhận cây giống miễn phí từ chính phủ sau đó bán lại cho những nông dân. Một số cây giống thậm chí không có rễ.
Giá mua mủ cao su hiện ở mức 22 Peso (0,41 USD)/kg tại North Cotabato và kỳ vọng sẽ tăng lên 27 – 28 Peso (0,51 – 0,53 USD)/kg.
Theo chương trình này, bà Mendoza cho biết một nông dân với diện tích 1 ha có thể nhận 500 cây giống cao su, trong đó tỷ lệ cây chết chỉ 10% so với công nghệ cũ là 50%.
Bà Mendoza thừa nhận đây là một thách thức khi đi ngược lại cách làm truyền thống chỉ sử dụng cây giống trong các túi nhỏ nông dân cao su đã sử dụng trong nhiều năm qua.
Bà Remedios Hernandez – một nhà nông học ở tỉnh – giải thích rằng theo chương trình, nếu một nông dân thực hiện canh tác tốt từ khi trồng cho đến thu hoạch và duy trì tốt nông trại thì sẽ không bị yêu cầu trả khoản tiền vay.
Bà cho biết trang trại sẽ được giám sát liên tục như những gì chính phủ đã thực hiện tại nông trại Gonzales. Nếu trồng không thành công sau một năm, nông dân sẽ được yêu cầu trồng lại.
Nông trại Gonzales đã tham gia chương trình vào năm 2014 và đã được cung cấp giống PB260 trong cả túi nhỏ và lớn.
Ưu điểm của việc sử dụng kỹ thuật "túi lớn" là cho thu hoạch mủ sớm trong 4 – 5 năm. Bà Hernandez cho biết nông trại Gonzales đã được thu hoạch vào tháng 12/2018, sau khi trồng bốn năm.
Ông Jack Sandique – Chủ tịch của Công ty Phát triển Cao su Platinum – cho biết ông muốn North Cotabato trở thành thủ phủ trồng cao su mới của Philippines – vị trí hiện đang thuộc về tỉnh Basilan.
Sandique cho biết ông đang dựa vào kỹ thuật mới sẽ được sử dụng toàn bộ tại các vườn cao su ở North Cotabato.
Theo ông, một nông dân có thể bỏ ra từ 150.000 – 180.000 Peso (2.841 – 3.409 USD)/ha hay 500 Peso (9,47 USD)/cây từ việc làm đất, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch.
Ông Sandique đang chia sẻ kỹ thuật mới này cho tất cả những người nông dân. “Đây sẽ là một kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi ở North Cotabato. Chúng tôi đang đặt mục tiêu thủ phủ trồng cao su số một”, ông lạc quan cho biết.
Tỉnh North Cotabato cũng thực hiện đợt đấu thầu cung cấp cây giống cao su tiếp theo cho những người sẽ tham gia chương trình.
Engr. Agustino Arances – điều phối viên cao su của tỉnh – cho biết 76.000 cây giống trị giá 5 triệu Peso (94.778 USD) được đưa ra để đấu thầu vào tháng 5 hoặc tháng 6/2019. Tổng số cây giống có thể trồng cho 150 ha.
Chương trình Phát triển Cao su của tỉnh North Cotabato đã bắt đầu vào năm 2012. Từ năm 2012 – 2018, tỉnh đã đầu tư 60 triệu Peso (1,13 triệu USD) vào các cây giống, tương đương 65 Peso (1,2 USD)/cây giống. Hiện có gần 2.000 nông dân đã được hưởng lợi từ chương trình.
Cho đến nay, đã có tổng cộng 60.000 ha đất trồng cây cao su trong tỉnh và 30.000 ha hiện đã sẵn sàng để thu hoạch.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch (Thanh Danh), nguồn: http://www.pna.gov.ph/articles/1062842, ngày 24/02/2019


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>