Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tham gia TPP

10/03/2016

 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết vào ngày 04/02/2016 vừa qua tại New Zealand. 


 Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam về năng lực cạnh tranh (NLCT), chất lượng sản phẩm (CLSP), nguồn nguyên liệu trong nước, chất lượng nguồn nhân lực, quản trị DN, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)... Đó là chưa kể những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, thậm chí là các hàng rào kỹ thuật, những biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước sẽ áp dụng là những khó khăn trước mắt và nhìn thấy trước, đòi hỏi DN Việt Nam phải có giải pháp ứng phó.

Kỳ vọng và trăn trở
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh – đánh giá, hiện nay, mặc dù tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đã bước đầu được cải thiện, nhưng phần lớn các mặt hàng nông sản, khoáng sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn mang tính gia công và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng dễ bị tổn thương trước biến động từ bên ngoài như giá cả thị trường thế giới, sự xuất hiện rào cản thương mại mới, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, NLCT sản phẩm xuất khẩu chưa cao, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu (NPL) còn lớn cho nên thường gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu giày dép, việc ký kết TPP về tiềm năng sẽ rất tốt bởi đây là nhu cầu thiết yếu của các nước, đồng thời, các dòng thuế giảm dần về 0% là điều kiện vô cùng thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (tỉnh Đồng Nai) – Trần Văn Tắc – cho biết, do TPP có quy định NPL phải có nguồn gốc xuất xứ trong các nước thành viên là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra, nhân lực cũng là vấn đề đáng bàn. Trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đối với những DN có hệ thống quản lý tốt, trang thiết bị hiện đại, tính chuyên môn hóa cao, ngang bằng với các DN nước ngoài thì không lo ngại lắm. Những DN yếu thế hơn sẽ bị cạnh tranh rất lớn về lao động bởi DN nước ngoài có thể trả lương cao hơn để thu hút lao động có tay nghề, chuyên môn sang làm việc. Chưa kể, nếu DN của Trung Quốc sang đầu tư ở Việt Nam, nhưng không tham gia đầu tư sản xuất mà chỉ gia công thuần túy rồi xuất khẩu nhằm hưởng lợi từ TPP khiến các DN trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Giám đốc Nhân sự – Hành chính Công ty CP May mặc Bình Dương – Nguyễn Hồng Anh – cho biết, ngành dệt may Việt Nam muốn được hưởng lợi thế từ TPP thì cần đáp ứng yêu cầu nguồn NPL phải được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vấn đề NPL đang là thách thức hàng đầu của ngành dệt may bởi nhiều DN trong ngành đang phải nhập đến 80% NPL.
Với ngành chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam – Lê Bá Lịch – đánh giá, tham gia TPP là thuận lợi nếu ngành phát huy được lợi thế chăn nuôi lợn, gia cầm… trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, có thị trường xuất khẩu lớn các sản phẩm thịt lợn, thịt vịt, trứng gia cầm. Ông Lê Quang Thành – Tổng Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương – cho rằng, khi TPP có hiệu lực, các DN ngành chăn nuôi phải đối mặt với những thách thức: giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện cao hơn các nước tham gia TPP trong khi CLSP nhìn chung chưa cao. Chi phí vận chuyển cao, quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, chất lượng con giống cũng như công nghệ chăn nuôi nhìn chung còn thấp... từ đó làm tăng chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Trung Tín – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh – đánh giá: Tham gia TPP là một cơ hội lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có lúa gạo. Tuy nhiên, giống như những mặt hàng nông sản khác, khi nhận được ưu đãi về thuế thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề liên quan CLSP. Với lúa gạo, đây cũng là một trở ngại lớn, bởi hiện nay hầu hết các sản phẩm gạo xuất khẩu chưa hề có thương hiệu, mà chỉ phân biệt bởi phần trăm tấm. Đáng chú ý, gạo xuất khẩu không đồng loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc sẽ trở thành vấn đề lớn khi đối tác lấy đó làm căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng VSATTP. Trong khi đó, khi tham gia TPP, gạo ngoại nhập sẽ tràn vào nhiều hơn. Với tâm lý "sính ngoại" sẵn có, cộng với niềm tin của người dân vào chất lượng VSATTP của gạo nhập sẽ khiến cho gạo trong nước rất dễ mất thêm thị phần ngay trên sân nhà.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – Trương Đình Hòe – nhận định, từ trước đến nay, khi Việt Nam chưa tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN xuất khẩu thủy sản đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Chẳng hạn, xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, các DN xuất khẩu phải đáp ứng theo Tiêu chuẩn Thực hành thủy sản tốt nhất (BAP), Tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), Tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển (MSC CoC)… Do đó, khi TPP chính thức có hiệu lực, các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, khi thuế suất giảm bằng 0% sẽ tạo điều kiện để các DN đầu tư mạnh hơn nữa từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Trong 12 nước thành viên TPP, có nhiều quốc gia đã là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam và sản phẩm của nước ta cũng đã được các quốc gia này chấp nhận về tính cạnh tranh cũng như về CLSP. Đây sẽ là lợi thế khi thực thi TPP. Thách thức với các DN thủy sản Việt Nam khi hội nhập TPP là việc tuân thủ các quy định ngày càng khắt khe về VSATTP. Các DN phải thực hiện tốt các chương trình, biện pháp quản lý VSATTP, áp dụng hiệu quả các công cụ truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy các hoạt động liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao CLSP.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước bối cảnh hội nhập TPP, mới đây, Bộ Công Thương đề ra một loạt giải pháp cấp bách gồm: phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng cho xuất khẩu, trong đó rà soát, điều chỉnh các chính sách nhằm thu hút mạnh đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, khuyến khích việc đầu tư sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao và hàng hóa thay thế nhập khẩu. Tiếp tục đổi mới công nghệ các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may, da giày; phát triển các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao như vật liệu xây dựng, sản phẩm hóa dầu, cao su, sản phẩm công nghệ cao. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ trong TPP...
Nâng cao NLCT hàng hóa xuất khẩu, trong đó tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế, hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu trong nước là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các DN cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu, chất lượng và thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển dịch vụ Logistics, nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng, của DN sản xuất – xuất khẩu.
Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt – Trần Văn Tắc – kiến nghị, Nhà nước cần có các giải pháp ổn định lao động, hỗ trợ các cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi các DN đầu tư để cung cấp NPL ngành may mặc. Giám đốc Nhân sự  – Hành chính Công ty CP May mặc Bình Dương – Nguyễn Hồng Anh – chia sẻ, muốn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu và cạnh tranh tốt, Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách; quy hoạch để phát triển các cụm, khu công nghiệp tập trung; xây dựng hệ thống xử lý nước thải... nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển ngành. Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam – Lê Bá Lịch – kiến nghị: Để tránh bị thua trên sân nhà, ngành nông nghiệp phải đổi mới, trước hết là củng cố nguồn nhân lực, đề xuất các biện pháp về thú y, con giống, thức ăn, tổ chức trang trại quy mô lớn; đồng thời phát động, tạo điều kiện khuyến khích các DN lớn (như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát…) đầu tư vào chăn nuôi, kèm theo một số chính sách về đất đai, được vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế... Ông Nguyễn Trung Tín – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh – cho biết: Nhận thấy thương hiệu là vấn đề ngày càng quan trọng đối với mặt hàng gạo cho nên Công ty đang tập trung hướng tới xây dựng thương hiệu gạo riêng, trước mắt tập trung "chinh phục" thị trường trong nước, sau đó sẽ tính đến xuất khẩu bền vững. Phát triển vùng nguyên liệu ổn định, từ đó xây dựng chuỗi sản phẩm và làm thương hiệu gạo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho DN, khi đó DN sẽ giải được bài toán cạnh tranh với sản phẩm gạo ngoại nhập. Việc thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu sau đó chắc chắn cũng thuận lợi hơn và yên tâm hơn, kể cả trước rào cản thương mại hay kỹ thuật của đối tác, nhờ vào chất lượng của sản phẩm.
Ông Lê Quang Thành – Tổng Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương – cho rằng, cấp thiết phải cơ cấu lại sản xuất, tạo điều kiện để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tại chỗ để giảm chi phí. Theo ông, về giống chỉ nên hỗ trợ đơn vị có năng lực; tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, chủ trang trại vay vốn. Năm 2015, Công ty đầu tư 168 tỷ đồng cho dây chuyền tự động hóa sản xuất chế biến thức ăn, chuyển dần sang sử dụng nguyên liệu tươi làm thức ăn chăn nuôi; đầu tư các thiết bị chăn nuôi hiện đại; chế biến thức ăn tại các trang trại liên kết với Công ty để người chăn nuôi giảm bớt chi phí sản xuất. Làm như vậy sẽ sử dụng đa dạng nguồn nguyên liệu, giảm chi phí khoảng 20 đến 30% do bớt công đoạn sấy, bảo quản, vận chuyển (khi sử dụng nguyên liệu khô). Công ty còn cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi cho các trang trại theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện vừa tiêu thụ sản phẩm vừa hỗ trợ các trang trại phát triển, mở rộng sản xuất.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>