Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài

20/02/2017

 Ngày 17/02/2017, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham gia Hội thảo “Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mê Kông” tại Hà Nội do ba đơn vị đồng tổ chức gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.


 Hội thảo này nhằm tham vấn doanh nghiệp (DN), các cơ quan quản lý liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp và thu thập ý kiến đóng góp của một số tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội, ngành hàng, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn tự nguyện về những giải pháp giảm rủi ro về môi trường và xã hội trong đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng sông Mê Kông.

Tài liệu hướng dẫn này được xây dựng dựa trên Các hướng dẫn của Liên hiệp quốc về kinh doanh và nhân quyền và những bài học kinh nghiệm thực tế từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Campuchia, đặc biệt của Nhóm doanh nghiệp tiên phong. Nhóm doanh nghiệp tiên phong được thành lập vào tháng 10/2016 dựa trên sáng kiến của PanNature, VCCI và Oxfam Việt Nam, gồm 8 thành viên là đại diện của 2 hiệp hội và 6 doanh nghiệp, gồm:
-          Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA)
-          Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED)
-          Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)
-          Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
-          Tổng công ty Cổ phần Tín Nghĩa
-          Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào
-          Công ty Gemadept
-          Công ty TNHH MTV Hợp tác kinh tế 385
Tài liệu hướng dẫn gồm các nội dung chính sau:
-          Nhận diện các vấn đề rủi ro trong lĩnh vực môi trường, xã hội, lao động ở các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và kết thúc dự án do vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, tập tục địa phương và công ước quốc tế.
-          Đề xuất giải pháp thực hiện để phòng chống rủi ro môi trường và xã hội khi đầu tư ra nước ngoài.
-          Đưa ra một số ví dụ thực tế nhằm minh họa cho từng vấn đề.
-          Giới thiệu những văn bản pháp luật, tài liệu liên quan cần tìm hiểu và những địa chỉ để liên hệ khi cần.
Theo ông Đoàn Thanh Nghị – Phó Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 01/2017, Việt Nam đã có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia với số vốn đăng ký khoảng 21,395 tỷ USD, trong đó, tại Lào 270 dự án (5,12 tỷ USD) và tại Campuchia 191 dự án (2,89 tỷ USD), riêng về cao su tại 2 nước này là 72 dự án với 2,175 tỷ USD. Bên cạnh những thuận lợi nhờ quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa các nước và địa lý gần gũi, DN Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật của Lào và Campuchia chưa hoàn chỉnh, có những thay đổi đột ngột và áp dụng hồi tố, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trung ương và địa phương, nên làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư của DN Việt Nam. Theo ông, cần kiến nghị các nước này khi xây dựng chính sách mới, không được hồi tố; cần có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư ở vùng có nhiều khó khăn; cùng hợp tác giải quyết những ách tắc của DN; đơn giản hóa và giảm chi phí về thủ tục vận chuyển hàng hóa, nông sản, phương tiện qua lại; miễn giảm thị thực cho lao động Việt Nam sang làm việc cho các dự án tại Lào, Campuchia…
Về phía các đại biểu, những ý kiến đóng góp tập trung vào các điểm sau:
-          Bên cạnh những thành tựu từ các dự án đầu tư ra nước ngoài như giúp xóa đói giảm nghèo hay cải thiện cơ sở hạ tầng cho nước nhận đầu tư, DN Việt Nam đã gặp những rủi ro do thiếu thông tin, không cập nhật kịp thời sự chuyển biến của pháp luật quốc gia và quốc tế, tranh chấp xảy ra do khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, lao động tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu về lượng và chất…
-          Tài liệu hướng dẫn này rất hữu ích giúp DN nhận diện những rủi ro về môi trường và xã hội cần phòng tránh và là cẩm nang cần thiết để có giải pháp khắc phục rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài, do vậy, cần phổ biến rộng rãi để được góp ý hoàn thiện. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn cho DN để sớm áp dụng. 
-          Tài liệu này nên khái quát rộng hơn, không chỉ cho DN Việt Nam đầu tư ở Lào và Campuchia, mà có thể ứng dụng trong tiểu vùng Mê Kông. Để hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn, cần một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng thí điểm, có tiêu chí đánh giá tính khả thi và hiệu quả.
-          Nhóm xây dựng Tài liệu hướng dẫn cần kiến nghị các cơ quan chức năng đưa vào quy trình đầu tư để tạo cơ sở pháp lý cho các giải pháp được đề ra.
Kết luận Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI– khẳng định Tài liệu hướng dẫn tự nguyện cho DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được tham vấn rộng rãi qua trang web của VCCI để hoàn thiện, tiếp theo sẽ mở rộng ra khu vực sau khi có kết quả tích cực qua sự tham gia của những DN Việt Nam tiên phong áp dụng thí điểm. Theo ông, hình ảnh tốt đẹp của các nhà đầu tư Việt Nam mang đến hiệu quả hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội cho nước nhận đầu tư sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Do vậy, các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội, ngành hàng đều quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của DN VN ở tiểu vùng Mê Kông (Nguồn: Báo Công Thương)
    Hiệp hội Cao su Việt Nam – Ban Tư vấn PTNCS (Hoa Trần)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>