Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

EVFTA có hiệu lực, tăng chống gian lận để bảo vệ doanh nghiệp chân chính

24/08/2020

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ví như xa lộ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, nhưng cũng dễ dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.


“Ngành hải quan sẽ tăng cường chống gian lận xuất xứ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chân chính”, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Điều tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Điều tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan)
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cắt giảm thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này nên nhiều người cho rằng, nhiều khả năng tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu vào EU sẽ gia tăng.Việt Nam đã tham gia, ký kết và thực thi 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), theo đó thuế xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác sẽ được cắt giảm và bãi bỏ theo lộ trình, nên tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa không thể tránh khỏi. Song tình trạng gian lận xuất xứ, đầu tư núp bóng nhằm lợi dụng việc cắt giảm thuế quan không phổ biến vì các nước trong khu vực cũng tham gia, ký kết nhiều FTA, tức là hàng hóa sản xuất tại những nước này khi xuất khẩu vào các thị trường đã ký kết FTA cũng được hưởng ưu đãi thuế quan như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, nên họ không có động cơ giả xuất xứ Việt Nam.
Nhưng với EVFTA thì khác, vì trong khu vực, hiện EU chỉ ký FTA với Việt Nam và Singapore?
Hiện tại EU cũng áp dụng các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với rất nhiều mặt hàng từ các nước chưa ký FTA. Tuy nhiên, EU cắt giảm thuế quan 85,6% số dòng thuế từ Việt Nam kể từ 01/8/2020 và bãi bỏ 100% thuế kể từ 01/8/2027 (7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực), nên rất nhiều chủng loại hàng hóa “Made in Vietnam” có lợi thế hơn so với các nước chưa ký FTA với EU, nên khả năng gian lận xuất xứ là có thể xảy ra.EVFTA mới thi hành nên chúng tôi chưa có cơ sở để đưa ra nhận định cụ thể về vấn đề này.
Vậy ông nói gì về tình trạng gian lận xuất xứ từng xảy ra khi xuất khẩu vào Mỹ?
Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) đã thực thi 20 năm, nhưng chỉ từ giữa năm 2018 mới nổi lên tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Mỹ áp đặt mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ 7,5% đến 285% tùy mặt hàng (mức thuế suất bình quân là 25%), dẫn đến sự chênh lệch vô cùng lớn về thuế suất giữa hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trong số các hàng hóa của Trung Quốc bị áp đặt thuế bổ sung, có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, và Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”.Tổng cục Hải quan là cơ quan được giao nhiệm vụ chống gian lận thương mại, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đã thu được kết quả khả quan.
Cụ thể kết quả thế nào, thưa ông?
Qua kiểm tra, điều tra, xác minh, chúng tôi đã phát hiện một số hình thức gian lận phổ biến, đó là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam.Ngoài ra, còn tình trạng doanh nghiệp mới đang trong giai đoạn đầu tư, chưa hoàn thiện dây chuyền máy móc để sản xuất, nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu; doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không hề đầu tư máy móc, thiết bị, nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; chi phí sản xuất, nhân công tăng không đáng kể nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến…Sau khi phát hiện ra hàng loạt doanh nghiệp sai phạm, chúng tôi đã tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nên bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các hiệp định ưu đãi thuế quan, đặc biệt là BTA để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cứ cho là việc cắt giảm thuế quan để thực hiện các FTA, kể cả EVFTA không phải là động lực chính dẫn đến gian lận xuất xứ hàng hóa, nhưng giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang “trả đũa” lẫn nhau trong hoạt động thương mại. Thưa ông, nếu xảy ra cuộc thương chiến giữa EU với các nước, chắc chắn tình trạng gian lận xuất xứ sẽ gia tăng?
Cơ quan hải quan xác định điều tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm không chỉ trong năm 2020, mà các năm tiếp theo. Kết quả đã đạt được chúng tôi chỉ coi là thành công ban đầu, chỉ là giai đoạn I để từ đó tiếp tục nghiên cứu, triển khai giai đoạn II, theo đó sẽ mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận đối với nhiều doanh nghiệp khác.Không chỉ ngành hải quan, mà các cơ quan quản lý nhà nước đều xác định phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, mà việc chống gian lận xuất xứ chính là để giúp các doanh nghiệp chân chính không bị ảnh hưởng bởi những doanh nghiệp làm bậy.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>