Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Con đường ngắn nhất để hàng Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

13/06/2022

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, xây dựng mối kết nối qua đó hình thành chuỗi cung ứng.


Khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho thấy, hiện Việt Nam mới có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc thiếu vắng DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cung ứng nguyên liệu cho DN nước ngoài tại Việt Nam khiến tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Hiện, ngành điện tử đang nhập khẩu 97% linh kiện cơ bản, 92% linh kiện chuyên dụng, 82% linh kiện cơ khí %, 87% linh kiện cao su... Với ngành ô tô, do sản lượng sản xuất, tiêu thụ chỉ vài trăm nghìn xe/năm nên Việt Nam chỉ có 60% DN cung ứng linh kiện cấp 1 cho đối tác nước ngoài, 145 DN cung ứng cấp 2, điều này khiến tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô chỉ đạt 30%, 70% linh kiện còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty TNHH GSK Việt Nam
(KCN Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội)
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam không cao, Phó Chủ tịch VASI Trương Thị Chí Bình nêu rõ, những khó khăn về vốn, về đào tạo và chính sách khiến Việt Nam đến nay chưa có DN có thương hiệu tiêu biểu, vươn tầm thế giới trong lĩnh vực CNHT. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển CNHT nhưng DN khó tiếp cận. “Hiện hầu hết nguyên liệu CNHT phải nhập khẩu, DN phải vay vốn với lãi suất 7,5 – 8,5%/năm, trong khi nhiều nước trên thế giới chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 – 5%/năm. Việc DN vay vốn lãi suất cao dẫn đến giá thành sản xuất cao hơn ít nhất 20% so với giá hàng ngoại nhập nên khó kết nối tiêu thụ sản phẩm” – bà Trương Thị Chí Bình phân tích.
Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cũng cho rằng, để trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia, DN đang phải đối mặt với chi phí mặt bằng sản xuất cao, thiếu các công đoạn gia công để có cụm linh kiện hoàn chỉnh. “CNHT Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao. Đây là rào cản để DN xây dựng chuỗi liên kết cung ứng cho DN FDI” – ông Đào Phan Long chia sẻ.
Tương tự, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Quốc Việt nêu rõ, hiện các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT phụ thuộc chủ yếu vào các DN FDI lớn tại Việt Nam như Samsung. Sự phụ thuộc này dẫn đến hiện tượng hầu hết sản phẩm xuất khẩu đều có giá trị gia tăng lẫn độ phức tạp về sản phẩm không cao, công nghệ trung bình hoặc thấp, chuyên môn hoá thấp. Kết quả là những lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng kém bền vững, giữa bối cảnh áp lực cạnh tranh quốc tế trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Sớm đưa chính sách vào cuộc sống
Theo các chuyên gia kinh tế, để DN tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, trước mắt là DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam, cần phải có “trợ lực” của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định giúp DN phát triển bền vững. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT TP Hà Nội (HANSIBA) Lê Quý Khả chia sẻ, DN mong muốn nhận được gói hỗ trợ với lãi suất dao động từ 4 – 5%, đồng thời có thể tiếp cận giải ngân, vay vốn ODA qua đó đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc công nghệ nước ngoài về sản xuất sản phẩm linh kiện thuộc ngành CNHT công nghệ cao.
Sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH
Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất)
Tương tự, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết kiến nghị, sản xuất CNHT nói chung và ở ngành cơ khí hiện nay, các DN cần nguồn vốn để đầu tư, từ con người đến dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, CNHT là ngành nghề lợi nhuận không quá cao nên thời gian đầu tư, hoàn vốn dài vì vậy rất cần Nhà nước, ngân hàng có ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thủ tục vay... Đồng tình với ý kiến này Phó Chủ tịch VAMI Lê Văn Tuấn cho rằng, các bộ, ngành cần khuyến khích công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua những chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển... Các bộ, ngành tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa DN CNHT Việt Nam nói chung, công nghiệp chế tạo nói riêng với công ty nước ngoài...
Trước những kiến nghị của DN CNHT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, trong hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. “Hiện các trung tâm này đang tích cực hợp tác với những tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này” – ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Thông tin những giải pháp hỗ trợ DN CNHT Hà Nội phát triển, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2022 có khoảng 920 DN CNHT, trong đó có khoảng 300 DN đủ năng lực cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ DN trong việc kết nối trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời song hành cùng DN trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đặc biệt “TP. Hà Nội xây dựng Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn TP. Hà Nội” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. Phản ánh, kiến nghị của DN, chuyên gia cho thấy để ngành CNHT phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bên cạnh sự nỗ lực của DN đòi hỏi Nhà nước cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>