Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Cơ hội thay da đổi thịt cho ngành gỗ

18/05/2020

Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ của Việt Nam cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa. Trong đó, Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt.


Chế biến gỗ một ngành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD đang trở nên mơ hồ vì dịch bệnh Covid-19. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo năm 2020 ngành có thể không có tăng trưởng. Bởi hiện dịch vẫn đang bủa vây hầu hết các thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%), Nhật Bản, khoảng 13%. Ngay cả thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam là Trung Quốc với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, dù đã bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường… Báo cáo nội bộ trong các hiệp hội gỗ của VIFOREST dựa trên thông tin chia sẻ từ một số DN xuất khẩu đồ gỗ đi Mỹ và EU vừa công bố mới đây, cho biết khoảng 80% người mua từ các thị trường này hiện đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng.

Khảo sát 124 DN trong ngành gỗ của VIFOREST mới công bố cho thấy, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường. Nhóm các DN hiện vẫn đang hoạt động bình thường nhưng sẽ ngừng trong thời gian tới chiếm 35% trong số DN phản hồi khảo sát. Nhóm các DN đã ngừng hoạt động có 89% cho biết chưa xác định được thời gian sẽ hoạt động trở lại.
75% số DN phản hồi về tác động của đại dịch tới tình hình tài chính của DN cho biết, thiệt hại ban đầu đối với các DN này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng, tương đương với gần 25 tỷ đồng đối với mỗi DN. Tuy nhiên đây chỉ là những thiệt hại được đánh giá bước đầu. Trong khi có 24% số DN tham gia khảo sát hiện chưa xác định được thiệt hại.
Việc đứt gãy các chuỗi cung gỗ nguyên liệu cũng đang làm tăng cước phí vận chuyển và đẩy giá thành gỗ nguyên liệu tăng cao. VIFOREST cho biết giá gỗ nguyên liệu hiện tăng cao từ 10 20 USD/m3 và giá cước vận chuyển tăng từ 500 1.000 USD cho mỗi container so với trước khi dịch xuất hiện.
 “Trong khi hầu hết các DN trong ngành hiện đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số DN vẫn hoạt động bình thường, lý do là bởi DN này đi vào các dòng sản phẩm có độ ổn định rất lớn, tại các thị trường trọng điểm”, ông Đỗ Xuân Lập Chủ tịch VIFOREST cho biết và chỉ ra “Hiện cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai” bởi ngành hiện đang sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu không tăng cao trong tương lai. Cụ thể, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời…
Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, do nhu cầu về các sản phẩm thuộc nhóm vẫn còn tồn tại, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sản xuất các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ chiến lược này đang bị các DN của Trung Quốc chiếm lĩnh, đặc biệt là kể từ lúc cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nổ ra. “Miếng bánh này hiện nay Việt Nam đang cho người khác hưởng”, ông Lập cho biết.
Nhìn rộng hơn, ngành gỗ hiện vẫn đang còn thiếu một chiến lược phát triển bền vững. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Mặc dù điều đó có nghĩa đồ gỗ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển; tuy nhiên chúng ta chưa xác định được cơ hội của Việt Nam trong việc gia tăng thị phần toàn cầu cũng như thông tin chính xác về các đối thủ cạnh tranh. Hơn thế ngành gỗ Việt Nam thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, dẫn đến lệ thuộc vào nguồn phụ trợ nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc mà còn gây rủi ro cho ngành khi có biến động thị trường và/bệnh dịch.
Để giải quyết những vấn đề này Chủ tịch VIFOREST đề xuất, Chính phủ cần có các cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát triển các ngành này trong thời gian sớm nhất, trong đó hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Cùng với đó, các DN cần phải chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online. Điều này đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị DN và tay nghề của người lao động, và phát triển cơ sở hạ tầng tốt nhằm thực hiện các giao dịch online.
Chính phủ và các DN trong ngành gỗ của Việt Nam cũng cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa. Trong đó, Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt. Việc Chính phủ yêu cầu các sản phẩm gỗ theo hình thức đấu thầu trong mua sắm công phải đảm bảo tính hợp pháp có thể là một bước khởi đầu tốt để khuyến khích DN tham gia thị trường này, giúp hình thành liên kết và chuỗi cung nội địa giữa DN, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng nhằm phục vụ phân khúc thị trường mua sắm công – một phân khúc không hề nhỏ.
Hoa Hạ, nguồn: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-thay-da-doi-thit-cho-nganh-go-101798.html, ngày 15/5/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>