Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Chủ động phòng vệ thương mại

26/10/2020

Tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bên cạnh ưu đãi về mặt thuế quan giúp thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu (XK) hàng hóa, các ngành hàng, doanh nghiệp (DN) của Việt Nam ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM).


Điều này đòi hỏi chính các DN phải nâng cao tính chủ động, song hành cùng cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) ứng phó hiệu quả PVTM.

Trong thời gian qua, xu thế gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Hàng hóa XK của Việt Nam đã bị điều tra PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì chỉ 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc). 
Phần lớn số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như: Kim loại, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất... Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM đối với hàng XK của Việt Nam là: Mỹ, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc PVTM với hàng XK của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra PVTM với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).
Đặc biệt, gỗ dán là một trong những nhóm mặt hàng thời gian gần đây vướng vào không ít vụ kiện PVTM. Bày tỏ nhiều lo ngại về vấn đề này, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng năm 2020, toàn ngành có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và trị giá XK gỗ và lâm sản. Bên cạnh ảnh hưởng nổi cộm của dịch Covid-19, vấn đề đáng chú ý chính là ảnh hưởng do các vụ việc cạnh tranh thương mại gây ra. Đơn cử, một vụ việc đáng chú là ngày 26/5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế CBPG tạm thời đối với ván dán nhập khẩu (NK) từ Việt Nam từ 9,18% đến 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29/5/2020 đến 28/9/2020.
Hiện nay, phía Hàn Quốc đã kết thúc điều tra thực tế tại các DN và sẽ công bố quyết định chính thức vào thời gian tới. Ngoài ra, ngay ngày 06/9/2020 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế CBPG, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán (mã HS 4412) XK từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ… Trung Quốc.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Cục trưởng PVTM Nguyễn Phương Nam cho biết, thời gian qua, nhiều thị trường XK của nước ta có xu thế gia tăng mức độ bảo hộ đối với hàng hóa thông qua việc sử dụng các hình thức PVTM truyền thống như: CBPG, chống trợ cấp, tự vệ… Hiện, hệ thống pháp luật về PVTM của nước ta đã được bổ sung và hoàn thiện, chúng ta đã chủ động hơn và phát huy hiệu quả hơn các biện pháp PVTM để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng NK đến sản xuất trong nước. Với không ít nỗ lực, công tác kháng kiện, hỗ trợ các ngành sản xuất, XK ứng phó các biện pháp PVTM của nước ngoài đã thu được kết quả tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như: thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp PVTM nhưng nhiều DN chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng XK, đặc biệt sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Canada...
Ở góc độ đại diện cho cộng đồng DN, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, quy định về PVTM trong các FTA gây ra những thách thức lớn cho các DN. DN có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Các FTA ký kết với các quy định về PVTM, trong khi các DN nhỏ và vừa còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ, chưa tìm hiểu kỹ. Điều này dẫn tới các DN chưa chủ động được các biện pháp PVTM để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) thực hiện các biện pháp PVTM, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Thậm chí, một số DN còn bị mất thị phần. Ngoài ra, vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là có thể nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.
Theo đại diện Bộ Công thương, trong các vụ việc ứng phó PVTM đã xử lý thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN thông qua nhiều hoạt động như: Thường xuyên cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ để các CQQLNN tăng cường giám sát, theo dõi và có các biện pháp xử lý phù hợp; cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; có ý kiến với CQQLNN, cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị đối xử khách quan với các DN XK của Việt Nam, tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công thương, việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA được không ít chuyên gia đánh giá là đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng DN
Quốc Bình, nguồn: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/chu-dong-phong-ve-thuong-mai-621593/, ngày 23/10/2020 (DB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>