Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Bình Phước kiến nghị cho quy hoạch 70.000 ha đất để phát triển

13/07/2020

Ngày 08/7/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước về hình hình kinh tế xã hội và công tác xây dựng hệ thống chính trị.


 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Phước kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho tỉnh quy hoạch 70.000 ha đất (trong đó có 40.000 ha đất trồng cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và 30.000 ha đất trồng cao su của tỉnh) để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng 3 Khu công nghiệp Minh Hưng 3, Bắc Đồng Phú, Minh Hưng – Sikio; sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, tuyến cao tốc Chơn Thành – Đắc Nông, dự án quốc lộ 14 kết nối Đắc Nông với Bình Phước qua Tây Ninh – Long An, đường sắt Hoa Lư – Dĩ An – Thị Vải, tuyến đường kết nối sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai); bố trí vốn cho chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 và phát biểu đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước trong phòng, chống dịch Covid-19, duy trì sự phát triển kinh tế – xã hội, nhờ đó tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng 1,81% của cả nước. Bình Phước cũng xây dựng 7 nhóm giải pháp vừa phòng chống dịch vừa khôi phục, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo quốc phòng an ninh và phát huy lợi thế của địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
* Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác đến làm việc về tình hình an ninh nguồn nước, phòng chống hạn mặn tại tỉnh Bến Tre. Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại công trình hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri), công trình cống đập Ba Lai (huyện Bình Đại và Ba Tri), Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Kênh Lấp (huyện Ba Tri).
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đợt hạn mặn 2019 – 2020, tỉnh bị thiệt hại rất lớn, tác động đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, tỉnh Bến Tre kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước khu vực ĐBSCL; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn khoảng 250 tỷ đồng để đầu tư hồ chứa nước ngọt; bố trí vốn cho tỉnh triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre; xem xét ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp tổ chức lại sản xuất, trữ nước ngọt, đặc biệt là vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo vai trò xả nước điều tiết, hạn chế những đợt triều cường, xâm nhập mặn vào các cửa sông.
Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Trong thời gian qua, hệ thống thủy lợi được Trung ương quan tâm đầu tư và đến 2023 sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu nước ngọt. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan sớm có tờ trình chi tiết để Quốc hội xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, cần quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi và các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, cả trước mắt và lâu dài; bảo vệ chất lượng nguồn nước tránh tình trạng ô nhiễm; vận hành hệ thống thủy lợi phải nhịp nhàng, hợp lý gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa; thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi ngay cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện hạn, mặn như hiện nay.
Hoàng Bắc – Tín Huy, nguồn: https://www.sggp.org.vn/binh-phuoc-kien-nghi-cho-quy-hoach-70000ha-dat-de-phat-trien-671890.html, ngày 09/7/2020 (DB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>