Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Vòng xoáy suy thoái kinh tế thế giới sẽ xoay quanh tâm điểm là Trung Quốc?

23/03/2020

Theo Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng 2,9%, không tạo được cách biệt với ngưỡng 2,5% ngưỡng báo hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu. 


Sự xuất hiện của Covid-19 đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu vào ngưỡng suy thoái sâu hơn. Một khi viễn cảnh này xảy xa, Trung Quốc sẽ là nơi khởi đầu, tiến triển và cũng là điểm kết thúc. 

Trung tâm dịch vi-rút Corona xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc). Khi dịch bệnh ở giai đoạn đầu, chính phủ Trung Quốc được cho đã "ém" thông tin, là tác nhân quan trọng khiến dịch bệnh lây lan ra khỏi Vũ Hán.
Ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế mang tính gián tiếp, còn tình trạng thông tin thiếu minh bạch mới là tác nhân gây nên tâm trạng bất an và bối rối, châm ngòi cho cảm giác lo sợ và khuếch đại cú sốc kinh tế. Ảnh hưởng dịch bệnh không chỉ mang tính địa lý mà nó gắn kết với nền tảng kinh tế chính trị của quốc gia này.  
Dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) hiện đã lây lan đến gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nhiễm bệnh cho hơn 170.000 người với hơn 6.500 ca tử vong. Ảnh: Forbes.com.
Giờ đây dịch bệnh lây lan trên toàn cầu. Ban đầu nhiều người cho rằng tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tương tự như đợt dịch SARS tại Trung Quốc năm 2003. Nhưng trên thực tế, ảnh hưởng kinh tế của SARS lại không đáng kể và không gây nên suy thoái, trong khi tình hình có thể sẽ rất khác trong đại dịch lần này. 
Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay có quy mô lớn hơn nhiều so với 17 năm trước. IMF ước tính quốc gia tỉ dân đóng góp 20% đầu ra sản phẩm toàn cầu so với con số 8,5% của năm 2003.
Trung Quốc hiện đã trở thành cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia này chiếm 35% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tính theo USD Mỹ) trong giai đoạn 2017 2019, gần gấp đôi tỷ lệ 18% của nước Mỹ và cao gấp 4 lần con số 7,9% của EU. Vì vậy một khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt dịch bệnh trước. 
Một vấn đề nữa là sản xuất kinh tế toàn cầu hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung toàn cầu mà Trung Quốc là trung tâm. Tình trạng cách ly hàng chục triệu người và phong tỏa nhiều thành phố đã khiến phần lớn các nhà máy nơi đây phải đóng cửa gần hết tháng Hai. Nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, chẳng hạn như việc sản xuất iPhone của Apple hay xe hơi, cũng lâm vào tình trạng thiếu phụ tùng và linh kiện.  
Ảnh hưởng có quy mô lớn hơn nhiều người tưởng tượng. Thậm chí các quốc gia không được cho là cốt lõi của chuỗi cung toàn cầu cũng chịu tác động. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu biệt dược gốc vì đứt gãy trong sản xuất, nguyên nhân là bởi các nhà sản xuất thuốc tại đây phụ thuộc 70% thành phần hoạt chất từ Trung Quốc. 
Mặt khác, nền kinh tế toàn cầu cũng đã suy giảm nhiều so với giai đoạn 2003, ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh sự gián đoạn sản xuất còn là sự suy giảm nhu cầu từ quốc gia tỉ dân. Các quốc gia xuất khẩu như Úc, các nước châu Phi, Mỹ Latin hay Trung Đông, trước dịch Covid-19 vốn đã vật lộn với khó khăn, nay phải đối mặt với giai đoạn khó khăn mới vì Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất với họ.   
Kinh tế toàn cầu giờ đây phải đối mặt với rủi ro suy thoái. Ảnh: Forbes.com.
Tình trạng đóng băng đột ngột của du lịch Trung Quốc đang tổn hại tới các hãng hàng không và các ngành dịch vụ du lịch bởi du khách Trung Quốc là nguồn cầu quan trọng của nhiều thị trường những năm gần đây. Chi tiêu nội địa Trung Quốc cũng giảm mạnh khi dân cư ở trong nhà và hạn chế đi lại. Với vai trò là quốc gia nhập khẩu lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, mức tiêu thụ nội địa đi xuống của Trung Quốc đang kéo nhu cầu toàn cầu suy giảm rõ rệt.
Cách nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau suy thoái cũng sẽ xoay quanh quốc gia tỉ dân. Trong tuần đầu tiên của tháng Ba, số ca nhiễm tại Trung Quốc đã giảm xuống, trong khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại các quốc gia khác.  
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tái khởi động sản xuất, công nhân quay lại công xưởng theo từng giai đoạn với chính sách theo dõi gắt gao: phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và ngồi ăn cách xa nhau trong canteen... Trong thời gian tới Trung Quốc và các quốc gia bị nhiễm dịch cũng sẽ trở nên khác biệt: trong khi Trung Quốc tăng cường sản xuất, các nước khác sẽ phải thu hẹp các hoạt động này. 
Sự hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán Trung Quốc liên quan tới kỳ vọng của các nhà đầu tư về một làn sóng các chính sách kích thích tiêu dùng từ chính phủ nhằm bù đắp cho những thiệt hại Covid-19 đã gây ra.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà Mỹ là trung tâm, trong khi Mỹ và châu Âu vật lộn với việc ổn định hệ thống tài chính, chính phủ Trung Quốc đã trấn an thành công kinh tế toàn cầu. Tháng 11/2008, quốc gia này giới thiệu chương trình đầu tư vào hạ tầng lớn nhất lịch sử với trị giá gần 600 tỉ USD. Chương trình này đã đẩy giá trị tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc lên gấp 6 lần chỉ trong một năm. 
Chính phủ Trung Quốc ngày nay tỏ ra không mặn mà gì với chính sách tài khoá. Thay vào đó, họ lên kế hoạch cho các biện pháp can thiệp khác như kéo dài thời hạn tín dụng và giảm thuế cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ tiền thuê cho các nhà bán lẻ...
Một khi các chuỗi cung Trung Quốc quay trở về guồng máy cũ, sản xuất tại châu Á cũng sẽ bắt đầu phục hồi. Ảnh: Forbes.com.
Sự hồi phục của kinh tế toàn cầu hậu suy thoái sẽ xuất hiện theo từng giai đoạn, phần lớn sẽ đi theo bước tiến của Trung Quốc bởi đây là quốc gia đi trước thế giới trong việc trấn áp dịch Covid-19. Một khi sản xuất phục hồi, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua sắm trở lại trong quý II/2020 và đẩy cầu tăng cao. 
Một khi các chuỗi cung Trung Quốc quay trở về guồng máy cũ, sản xuất tại châu Á cũng sẽ bắt đầu phục hồi. Nếu Covid-19 sớm được kiểm soát tại các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu trong quý II/2020, nguồn cầu gia tăng tại Trung Quốc cũng sẽ kích thích tăng trưởng cho các nền kinh tế này.
Ngoại trừ trường hợp các cú sốc lớn có thể tác động gián tiếp, chẳng hạn như sự sụp đổ của thị trường nợ doanh nghiệp hay khả năng vỡ bong bóng của một số tài sản, sự quay trở lại của Trung Quốc vẫn sẽ đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên cao hơn mức suy thoái 2,5% trong nửa cuối năm, bất chấp các nước phát triển có phục hồi được hay không. 
Tuy vậy rủi ro vẫn còn tồn tại. Rất có thể dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lan rộng trong các nước đang phát triển có thu nhập thấp, thiếu hụt hạ tầng chăm sóc y tế cũng như năng lực quản lý hành chính để đối phó với dịch bệnh. Các nền kinh tế quy mô nhỏ không phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung toàn cầu vẫn sẽ theo chân kinh tế thế giới và phục hồi. 
Nếu 2020 thực sự chứng kiến sự xuất hiện của suy thoái toàn cầu, đây sẽ là đợt suy thoái đầu tiên lấy Trung Quốc làm tâm điểm của thời hiện đại. Đây cũng sẽ là cú sốc giúp đo lường tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, và rất có thể không phải là minh chứng cuối cùng.      


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>