Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể bốc hơi 5 ngàn tỷ USD vì đại dịch

13/04/2020

Sản lượng toàn cầu sẽ không thể trở về các mức trước đại dịch cho đến năm 2022.

Hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nữa nếu các nhà làm chính sách không phối hợp.

Đại dịch virus Corona có thể cướp đi hơn 5 ngàn tỷ USD khỏi đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong vòng 2 năm tới, lớn hơn cả sản lượng hàng năm của Nhật Bản.


 

Đó là lời cảnh báo mà các ngân hàng Phố Wall đưa ra trong bối cảnh thế giới rơi vào cuộc suy thoái thời bình tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930, sau khi Chính phủ các nước yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa và người dân ở yên trong nhà.
Mặc dù theo dự báo cuộc suy thoái này sẽ không kéo dài nhưng các nền kinh tế cũng cần phải có thời gian để phục hồi. Thậm chí với các gói kích thích tài khóa và tiền tệ lớn chưa từng có, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng khó có thể trở lại các mức trước khủng hoảng ít nhất cho tới năm 2022.
Đây là khung thời gian tương tự như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ cách đây hơn 1 thập kỷ, mặc dù đà phục hồi có thể còn chậm chạp hơn so với dự báo hiện tại của các nhà kinh tế.
Điều này càng nhấn mạnh đến trọng trách lớn lao của các nhà hoạch định chính sách, với việc phải đưa ra các gói kích thích đủ lớn để thúc đẩy đà phục hồi nhưng không phải tái mở cửa nền kinh tế quá sớm nhằm ngăn chặn virus lây lan trở lại.
Catherine Mann, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Citigroup dự báo kinh tế toàn cầu có thể hứng chịu tổn thất khoảng 5 ngàn tỷ USD.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế của Ngân hàng JPMorgan Chase cũng ước tính sản lượng toàn cầu có thể thiệt hại 5,5 ngàn tỷ USD, tương đương gần 8% GDP cho tới cuối năm. Riêng các nền kinh tế phát triển, con số tổn thất có thể tương tự như các mức chứng kiến trong các cuộc suy thoái năm 20082009 và 19741975.
Trong khi đó, Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng bất chấp các biện pháp chính sách mạnh mẽ, thì mãi cho đến quý III/2021, GDP của các thị trường phát triển mới có thể trở về các mức trước đại dịch. Còn Deutsche Bank AG thì cho rằng “thiệt hại kéo dài và hiệu quả yếu ớt” sẽ khiến sản lượng của riêng kinh tế Mỹ và các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2021 thấp hơn 1 ngàn tỷ USD so với các kỳ vọng trước đại dịch.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết đại dịch có thể khiến dòng chảy thương mại quốc tế sụt giảm mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong kỷ nguyên hậu chiến. Theo dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ công bố dự báo mới nhất khi tổ chức cuộc họp mùa xuân vào tuần tới.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong tuần này cũng cho biết hơn 1 tỷ công nhân đang có nguy cơ rất lớn bị cắt giảm lương hoặc mất việc làm.
“Điều đó chỉ là tạm thời nhưng sẽ gây áp lực lên mọi thứ”, Steve Schwarzman – Giám đốc điều hành của Blackstone Group Inc. nhận định trên Bloomberg Television.
Chính phủ các nước cần phải phối hợp với nhau. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng nỗ lực rời rạc của các nước có thể dẫn đến làn sóng gia tăng số ca lây nhiễm thứ hai. Đây là kịch bản tồi tệ nhất và có thể khiến GDP của Mỹ thấp hơn 12% so với các mức trước đại dịch vào cuối năm 2020.
Nếu không có các nỗ lực phối hợp trên toàn cầu, các thị trường mới nổi sẽ đối mặt với một lộ trình phục hồi đặc biệt lâu, theo nhận định của Amlan Roy, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Chính sách Vĩ mô Toàn cầu tại State Street Global Advisors.
Lịch sử cho thấy, tác động của đại dịch trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể kéo dài khá lâu. Nghiên cứu từ Đại học California, Davis, cho thấy các đợt đại dịch trước đó có xu hướng làm giảm lương thưởng và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trong hàng thập kỷ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>