Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

EU tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu thô vào các nước thứ ba, nghiêm ngặt với doanh nghiệp xanh “giả”

27/03/2023

Nhu cầu các nguyên liệu thô dự kiến sẽ bùng nổ trong những năm tới. Liên minh châu Âu (EU) phải tìm cách để đảm bảo đảm bảo nguồn cung của mình do rất phụ thuộc vào các nước thứ ba. Và sẽ đưa ra các điều luật siết chặt hơn đối với doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình là thân thiện với môi trường nhưng thực ra không phải vậy. 


Không có lithium, hoặc cobalt thì sẽ không có pin cho ô tô điện. Không có tua-bin gió nếu không có đất hiếm để sản xuất nam châm vĩnh cửu. Không thể sản xuất chất bán dẫn mà không có silicon. Không sản xuất được đạn dược nếu không có vonfram. Nếu EU không đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng của mình trong những thập kỷ tới, kế hoạch dẫn đầu quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển xanh của khu vực này sẽ bị hủy hoại, và họ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển năng lực của mình trong các lĩnh vực như quốc phòng và hàng không vũ trụ. Châu Âu đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và Ủy ban châu Âu (EC) đã có kế hoạch để đảm bảo rằng Liên minh không thiếu những vật liệu quan trọng thiết yếu này. Chiến lược này sẽ được đệ trình lên các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu (EP).
EC đã cập nhật danh sách các nguyên liệu thô quan trọng được lập vào năm 2020, hiện có 34 mục. Danh sách này sẽ được xem xét bốn năm một lần. Mười sáu mục trong số đó đã được xác định là nguyên liệu thô “chiến lược”, do tầm quan trọng của chúng đối với một số lĩnh vực cũng mang tính chiến lược, khả năng tiếp cận và nhu cầu gia tăng có thể thấy trước bao gồm boron, cobalt, than chì tự nhiên, lithium, magie, nickel, silicon, đất hiếm, titan… Như vậy, châu Âu cần phải hành động khẩn cấp, đặc biệt là khi nhu cầu sẽ bùng nổ trong những năm tới. Phó Chủ tịch EC phụ trách Thương mại, ông Valdis Dombrovskis, cho biết: “Để đáp ứng mức sản xuất điện gió mà EU mong muốn, nhu cầu về đất hiếm sẽ được nhân lên gấp 5 – 6 lần vào năm 2030. Đối với pin cho xe điện, EU dự kiến nhu cầu về lithium sẽ gấp 12 lần vào năm 2030 và 21 lần vào năm 2050".
Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách thị trường nội khối, ông Thierry Breton, nhắc lại rằng một cuộc đua đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu để tiếp cận những nguyên liệu này. EU không bắt đầu với một khởi đầu thuận lợi nên còn lâu mới đạt được điều đó bởi họ phụ thuộc phần lớn (75%) vào một số ít các nước thứ ba để cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng này. Một vài ví dụ, 63% nguồn cobalt trên thế giới nằm ở Cộng hòa Dân chủ Congo và 60% lượng cobalt được khai thác ở đó sau đó được tinh chế ở Trung Quốc. Cũng chính Trung Quốc chiếm 97% nguồn cung cấp magie của EU, trong khi 100% đất hiếm cần thiết để sản xuất nam châm vĩnh cửu được tinh chế ở đó. Khoảng 98% boron được sử dụng ở EU đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và 71% bạch kim từ Nam Phi. Đại dịch COVID-19, sau đó là cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc người châu Âu nhận thức về sự mong manh của chuỗi cung ứng.
Kế hoạch của EC bao gồm các khía cạnh nội bộ và ngoại khối. Về vấn đề thứ nhất, Ủy ban đặt ra các mục tiêu về khai thác, tinh chế và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng, đảm bảo 65% lượng tiêu thụ của châu Âu vào năm 2030. Ủy ban muốn 10% nguyên liệu thô quan trọng đó tiêu thụ ở EU được khai thác trong lòng đất của EU. Theo Ủy viên Breton, đây có thể không phải là nơi giàu nhất, nhưng có thể tìm thấy ở đó khoảng 30 – 40% nguyên liệu thô, trong số hầu hết các loại khoáng sản. Do đó, công ty khai thác mỏ LKAB gần đây đã thông báo phát hiện ra một mỏ đất hiếm trị giá một triệu tấn ở miền Bắc Thụy Điển. Ông Thierry Breton khẳng định: “Cần phải cung cấp cho mình phương tiện để khai thác mỏ đất. Nhưng không vội vàng vì cần phải tính đến dân số, môi trường và đa dạng sinh học”.
Mục tiêu thứ hai là đạt ngưỡng tinh chế 40% ở châu Âu, khi Trung Quốc đã dẫn đầu trong lĩnh vực này. Phát triển hoạt động này trong EU, Ủy viên Breton cho biết, sẽ có lợi thế về công nghệ, việc làm và giá trị gia tăng: Một tấn lithium được khai thác ở mức 2.000 euro, nhưng giá tăng lên 80.000 euro khi được tinh chế ở Trung Quốc. Cuối cùng, điều quan trọng là phải tăng tỷ lệ tái chế trong EU và đảm bảo rằng tỷ lệ này đạt 15%. Và đề nghị các quốc gia Thành viên thực hiện các biện pháp và hợp tác với khu vực tư nhân để cải thiện các công nghệ tái chế và thu gom chất thải có thể tái chế.
Theo một nguồn tin châu Âu, việc tái chế sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của EU vì đây không phải là “thuốc chữa bách bệnh” để có thể đáp ứng mọi thách thức. Tuy nhiên, vẫn có tiềm năng. Theo viện nghiên cứu của EP, một triệu điện thoại thông minh chứa 24 kg vàng, 350 kg bạc, 16.000 kg đồng và 14 kg paladium. Hơn nữa, “vật liệu được tái chế” sẽ tăng theo thời gian. Nghiên cứu tương tự cho thấy trong kịch bản lạc quan nhất, khoảng 52% nhu cầu lithium, 58% nhu cầu cobalt và 49% nickel có thể đến từ pin tái chế vào năm 2040.
Để thúc đẩy việc đạt được 3 mục tiêu định lượng này, EC đề xuất nới lỏng quy định hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin giấy phép cho các dự án khai thác hoặc tái chế các nguyên liệu thô quan trọng. Các dự án được xác định là chiến lược sẽ có thể được hưởng lợi từ nguồn tài chính thông qua quỹ InvestEU, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, viện trợ của Nhà nước và từ thủ tục cấp phép nhanh: Tối đa hai năm đối với các dự án khai thác; một năm đối với các dự án xử lý tái chế.
Những tham vọng này sẽ không thay đổi được một thực tế bất biến: EU sẽ luôn phải tìm kiếm những thứ mà khu vực này không có sẵn. Lịch sử gần đây và những căng thẳng địa chính trị đã thuyết phục người châu Âu về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung. Do đó, EU đang tìm cách phát triển các cam kết với các đối tác đáng tin cậy. Các hiệp định thương mại gần đây với Chile, Mexico, New Zealand và Vương quốc Anh bao gồm một chương về nguyên liệu thô quan trọng. Các cuộc thảo luận đang diễn ra với các nước giàu tài nguyên Indonesia và Australia. EU cũng đang tìm cách thành lập một câu lạc bộ gồm các quốc gia đối tác chia sẻ lợi ích, giá trị và quan niệm về tính bền vững của Liên minh. Trong bối cảnh này, tuyên bố chung được đưa ra hôm 10/3, bởi Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, và của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong chuyến thăm của người đứng đầu EC tới Washington, nêu rõ sự sẵn sàng hợp tác của cả hai bên trong lĩnh vực này.
Mặt khác, với Trung Quốc, cuộc cạnh tranh để củng cố các mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ rất khốc liệt. Làm thế nào để thuyết phục các nước tiếp cận ủng hộ châu Âu hơn là Bắc Kinh? Ông Valdis Dombrovskis nói: “Những gì chúng tôi phải cung cấp là quan hệ đối tác có lợi cho cả hai bên. EU sẽ giúp các quốc gia này phát triển chuỗi giá trị của riêng họ, vượt ra ngoài hoạt động khai thác”. Vị quan chức này đưa ra những khoản đầu tư bền vững vào việc phát triển công nghệ. Đó cũng là vấn đề thảo luận về việc tận dụng chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (phản ứng của châu Âu đối với “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc) để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng ở các quốc gia này.
Châu Âu nghiêm ngặt với doanh nghiệp xanh “giả”
Một dự án xanh sẽ nhận được nhiều lợi ích, từ việc được ngân hàng cấp vốn, cho đến trợ cấp từ chính phủ nhiều nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp muốn dán nhãn các sản phẩm, dự án của mình là xanh, tuy nhiên không phải lúc nào nhãn mác này cũng phản ánh sự thật.
Cụm từ “green-washing” (tăng trưởng xanh giả) được dùng để miêu tả các doanh nghiệp mà sản phẩm được dán nhãn là xanh, không gây hại tới môi trường, nhưng thực tế không phải vậy. Ở một mức độ nào đó, sản phẩm vẫn có tác hại tới môi trường.
Một vài ví dụ được kể đến như hãng đồ ăn nhanh McDonald's. Năm 2019, hãng này tung ra chiến dịch thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu có thể tái chế được, nhưng sự thật là những ống hút của McDonald's không thể tái chế. Nguồn gốc của nguyên liệu cũng khiến người ta đặt dấu hỏi về tác hại với môi trường. Hoặc như hãng ô tô Volkswagen, năm 2015, hãng ô tô này dính bê bối làm giả báo cáo khí thải của vài dòng xe chạy dầu diesel, dẫn tới các vụ kiện và bồi thường lên tới hàng tỷ USD.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg
Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy tắc vào ngày 22/3/2023, yêu cầu các công ty ở châu Âu đưa ra bằng chứng để chứng minh sản phẩm, từ hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, thật sự là “xanh”. Nếu các công ty đưa một sản phẩm có nhãn giả hoặc tuyên bố giả mạo ra thị trường và họ bị tố cáo, thì tất nhiên họ sẽ phải ra tòa. Quyết định của tòa án có thể là lệnh cấm bán một sản phẩm như vậy trên thị trường Liên minh châu Âu (EU), hoặc cũng có thể đi kèm với tiền phạt", ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Ủy ban Môi trường EU, cho biết. Theo bộ quy tắc vừa được đề xuất, doanh nghiệp vừa muốn quảng bá sản phẩm của mình là xanh, trước tiên phải thực hiện đánh giá sản phẩm của mình dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tất cả các tác động môi trường đáng kể để chứng minh rằng sản phẩm của họ đáp ứng được yêu cầu.
“EU có những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nghiêm túc và xuất sắc trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng họ lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp xanh giả mạo. Những nhãn hiệu giả mạo này ngày càng tinh vi hơn trong cách thức quảng cáo. Vì vậy chúng tôi can thiệp để có một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn”, ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Ủy ban Môi trường EU, cho hay. Đề xuất này sẽ bao gồm tất cả các sản phẩm tiêu dùng được bán ở EU, trừ khi chúng được điều chỉnh bởi các luật hiện hành của EU về quy định một số nhãn hàng, ví dụ: thực phẩm được dán nhãn hữu cơ. Các nước EU và Nghị viện châu Âu phải đàm phán về luật cuối cùng. Ông Sinkevicius cho biết, ông hy vọng những cuộc đàm phán đó sẽ kết thúc để luật có thể được áp dụng vào năm 2024.

Hương Giang, Như Anh, nguồn: https://bnews.vn/eu-tim-cach-giam-bot-su-phu-thuoc-nguon-cung-nguyen-lieu-tho-vao-cac-nuoc-thu-ba/284930.html, https://vtv.vn/kinh-te/chau-au-nghiem-ngat-voi-doanh-nghiep-xanh-gia-20230324001514644.htm, ngày 21, 24/3/2023 (TN tổng hợp & trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>