Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Chuyên gia nhận định về lộ trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19

20/04/2020

 Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đứng trước bờ vực của suy thoái và làm thay đổi nhiều yếu tố. Khi đại dịch đi qua, liệu nền kinh tế có thể phục hồi trở lại?


 Covid-19 đã "cuốn bay” hàng chục triệu việc làm trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. (Nguồn: EPA)

Covid-19 đã "cuốn bay” hàng chục triệu việc làm trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. (Nguồn: EPA)
Các thành phố lớn của Mỹ, Singapore, Pháp, Nhật Bản… đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, cách ly xã hội, tạm đóng cửa các doanh nghiệp, cho nhân viên làm việc online… trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Điều này khiến hàng chục triệu người lao động trên thế giới bị mất việc, kinh tế đình trệ, người dân có xu hướng tích trữ, cắt giảm tiêu dùng, tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn.
Karen Dynan, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson và là cựu chuyên gia kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ nhận thấy, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với ngành dịch vụ sụt giảm chưa từng có, làm chậm hoạt động sản xuất, gây ra hiệu ứng kích thích như khủng hoảng thanh khoản và giảm giá tài sản.
Giới chuyên gia nhận định, chỉ trong 3 tháng đầu năm, thế giới đã thay đổi rất nhiều, đến nỗi khó có thể hình dung được tương lai sẽ ra sao. Những con số thống kê về thiệt hại từ đại dịch Covid-19 đã khiến giới đầu tư bi quan và không biết nên gửi tiền vào đâu hay tiếp tục hoạt động kinh doanh như thế nào.
Chuyên gia am hiểu về chiến lược đầu tư tại Singapore Eli Lee cho rằng, thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi căn bản trong một loạt các ngành công nghiệp, dịch vụ, giải trí. Do vậy, các nhà đầu tư phải suy nghĩ về những chiến lược mới trong tương lai, các công ty cũng cần phải xem xét lại mô hình kinh doanh sau khi thế giới dần kiểm soát được dịch bệnh.
Theo Robert Secker, Giám đốc đầu tư của Công ty M & G Investments có trụ sở tại Anh, vẫn còn quá sớm để nhận ra tất cả những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế và thu nhập doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, chính sách kích thích của các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ đang là một “bộ đệm” tạm thời để chống lại sự sụt giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề và “cuốn bay” hàng chục triệu việc làm trên thế giới hay đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực, nhưng tuần trước, ngày 09/4, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm, kết thúc một tuần đi lên mạnh mẽ hiếm thấy trong 45 năm qua.
Chỉ số S&P 500 kết phiên tăng 1,45% lên 2.790 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 nhảy vọt 12,1%, ghi nhận mức tăng một tuần mạnh mẽ nhất kể từ năm 1974 khi chỉ số này tăng 14%. Đây được cho là hồi chuông báo hiệu sự lạc quan cho triển vọng phục hồi trong tương lai.
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng, cú đánh kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19 chỉ giống như một thảm họa tự nhiên ngắn ngủi. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch, thế giới sẽ tiếp tục chiến đấu để phục hồi kinh tế. Và có nhiều lý do để hy vọng về sự phục hồi này, nhất là khi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sở hữu các công cụ tốt hơn để giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Bên cạnh đó, trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đã tung các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để hỗ trợ người lao động và tiếp sức cho nền kinh tế. Việc cải thiện phúc lợi, với các điều khoản an sinh xã hội tốt hơn, đầu tư mạnh hơn vào hệ thống y tế cũng đang được chú trọng để hạn chế thiệt hại từ đại dịch.
Giới chuyên gia nhận định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch có thể sẽ đến theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, người tiêu dùng có thể sẽ hạn chế chi tiêu do tâm lý vẫn bị ảnh hưởng bởi cú đánh từ đại dịch Covid-19 vào niềm tin, thu nhập và việc làm. Song, chi tiêu của chính phủ, đầu tư kinh doanh, chứng khoán và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng chính cho đến khi niềm tin của người tiêu dùng phục hồi.
Kinh tế toàn cầu sẽ có sự sụt giảm trong năm nay và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2020 và tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2021. Viện Peterson dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sẽ quay trở lại đúng lúc, GDP toàn cầu sẽ ở mức 7,2% vào năm tới, với sự tăng vọt ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>