Tin tức

Indonesia: RCEP sẽ được ký kết vào tháng 11/2020 mà không có Ấn Độ

24/08/2020

Các nước tham gia RCEP, gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, vẫn sẽ mở rộng cửa cho Ấn Độ trong trường hợp nước này quyết định tái tham gia trong tương lai. 


Bộ Thương mại Indonesia cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã bước vào giai đoạn hoàn thiện pháp lý và dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 11 tới mà không có Ấn Độ. Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga ngày 13/8/2020 cho hay các nước tham gia RCEP – gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand – vẫn sẽ mở rộng cửa cho Ấn Độ trong trường hợp nước này quyết định tái tham gia thỏa thuận thương mại trong tương lai bởi sự tham gia của New Delhi rất quan trọng trên các mặt chính trị, kinh tế và đoàn kết châu Á.

Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào tháng 11/2019 do lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa các lực quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước hồi tháng Sáu vừa qua. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Indonesia. Theo Cơ quan thống kê thương mại Liên hợp quốc, mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia sang quốc gia Nam Á này là than đá với kim ngạch đạt 4,81 tỷ USD vào năm 2019, tiếp đến là dầu cọ, thép không gỉ và cao su. Điều này khiến Ấn Độ trở thành khách hàng mua than đá và dầu cọ lớn thứ 2 của Indonesia. Ấn Độ cũng là đối tác nhập khẩu quan trọng khi chiếm tới 35% tổng lượng thịt bò nhập khẩu của Indonesia trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 tại Bangkok. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Theo ông Andry Satrio Nugroho, Giám đốc Trung tâm công nghiệp, thương mại và đầu tư thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef), nếu Ấn Độ không tham gia RCEP, Indonesia sẽ không được mua thịt bò giá rẻ từ Ấn Độ và dầu cọ của nước này sẽ không được hưởng thuế xuất khẩu thấp hơn. Trong khi đó, ông Yose Rizal Damuri, Trưởng bộ phận kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Jakarta, cho rằng RCEP có thể không tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Indonesia. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại này sẽ chuẩn bị cho các nước tham gia trước bất kỳ xu hướng thương mại toàn cầu tương lai vốn đang được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, trong đó có thương mại kỹ thuật số.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thương mại quốc tế do các lệnh hạn chế đi lại. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây dự báo trao đổi thương mại toàn cầu sẽ giảm 13% trong năm nay theo kịch bản sáng sủa nhất và giảm 32% theo kịch bản tồi tệ nhất. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Indonesia chỉ đạt 76,41 tỷ USD, giảm 5,49% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 14,28% xuống còn 70,9 tỷ USD. Điều này giúp Indonesia đạt thặng dư thương mại 5,5 tỷ USD, so với mức thâm hụt 1,87 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Thương Mại Jerry, với việc hoàn tất đàm phán RCEP, Indonesia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cần đi kèm với việc cải tiến chất lượng sản phẩm, thương hiệu, hệ thống hậu cần và thanh toán nhằm giúp các sản phẩm trong nước thâm nhập thành công thị trường toàn cầu./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+), nguồn: https://www.vietnamplus.vn/indonesia-rcep-se-duoc-ky-ket-vao-thang-112020-ma-khong-co-an-do/658279.vnp, ngày 19/8/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>