Tin tức

Hướng đi nào cho cây cao su ở Hà Tĩnh

30/06/2017

 Giá mủ cao su đang ấm dần lên nhưng khó nói là ổn định. Bài học rút ra sau những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão tố trước đây và quy luật cung – cầu là điều cần xem xét để tìm hướng đi cho cây cao su phát triển bền vững.


 

Khi cao su rớt giá, công tác chăm sóc cũng chỉ ở mức cầm chừng
Thực trạng khó khăn
Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh còn khoảng 9.345 ha cao su, trong đó, đại điền 8.078 ha và tiểu điền 1.267 ha. Diện tích chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà…
Đến nay, diện tích cao su đưa vào khai thác là 1.792 ha. Năng suất mủ bình quân đạt từ 1 – 1,1 tấn/ha, lợi nhuận tăng đáng kể. Tuy nhiên, “việc trồng, kinh doanh cao su trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: Vốn đầu tư ban đầu lớn (gần 70 – 170 triệu đồng/ha), thời gian kiến thiết dài (7 năm mới cho cạo mủ), trong khi điều kiện khí hậu, thời tiết, gió bão vùng Bắc Trung Bộ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến phát triển của cây cao su...” – một chuyên gia lâm nghiệp băn khoăn.
Định hướng phát triển
Thời gian tới, theo Sở NN&PTNT, Hà Tĩnh phát triển thêm khoảng 2.750 ha để đưa diện tích cao su đạt trên 12.100 ha vào năm 2020. Trong đó, diện tích cao su đại điền khoảng 9.500 ha, cao su tiểu điền 2.600 ha, giai đoạn đầu khi cây cao su chưa khép tán, tiến hành sản xuất nông – lâm kết hợp, trồng xen dưới tán cây cao su bằng các loài cây có giá trị, như: gừng, nghệ, hương bài... để tăng hiệu quả sử dụng đất/đơn vị diện tích; xác định sản phẩm mủ cao su là hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh. “Chỉ thực hiện trồng mới cao su trên những vùng ít bị ảnh hưởng của gió bão tại các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ. Không trồng mới cao su tại các huyện dọc theo bờ biển, gió bão ảnh hưởng lớn như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà...”.
Cùng với đó, những diện tích đã quy hoạch nhưng không trồng mới cao su thì có thể phát triển trang trại nông lâm nghiệp, trồng các loại cây ăn quả, cây nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến lâm sản như keo hom và các loài cây bản địa gỗ lớn có năng suất cao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến sâu, chế biến tinh, ván sợi MDF.
Tỉnh cũng đã định hướng rõ: Lấy phát triển cao su đại điền làm động lực để thúc đẩy phát triển cao su tiểu điền; tạo điều kiện để các công ty đẩy mạnh hình thức liên kết, hợp tác trồng cao su với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để phát triển cao su tiểu điền theo hình thức liên kết giữa hộ với doanh nghiệp. Đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh khai thác 2.667 ha, sản lượng 2.750 tấn mủ khô, giá trị sản xuất 151.250 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4.500 lao động, với mức thu nhập khá.
Những giải pháp chủ yếu
Được biết, ngoài công tác tuyên truyền, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về quy hoạch, chất lượng giống theo quy định; kiên quyết không đưa vào trồng các loại giống không rõ nguồn gốc, chưa qua khảo nghiệm ở địa phương; thực hiện cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật áp dụng cho khu vực duyên hải miền Trung đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) khuyến cáo, ban hành...
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển cao su, về hình thức tổ chức sản xuất, tỉnh xác định nòng cốt trong phát triển cao su đại điền là các công ty cao su và các doanh nghiệp khác có quỹ đất quy hoạch trồng cao su. Các đơn vị này tự huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện việc trồng và phát triển cao su theo mô hình đầu tư sản xuất của VRG.
Đối với phát triển cao su tiểu điền, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện theo 2 hướng. Trước hết là các hộ gia đình đã được giao đất, tự tổ chức sản xuất thì chính quyền địa phương tạo điều kiện để họ tự bỏ vốn trồng cao su tiểu điền và tổ chức thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ, tổ chức sản xuất theo mô hình trồng cây công nghiệp tập trung theo đúng quy trình kỹ thuật, mùa vụ; hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong việc bảo vệ vườn cây, phòng trừ sâu bệnh, mua vật tư, cây giống, khai thác và bán sản phẩm…
Tiếp đó là các hộ gia đình góp đất liên kết với các công ty cao su hoặc các doanh nghiệp khác có đủ năng lực. Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông cho người dân. Tùy điều kiện, từng giai đoạn để xem xét hỗ trợ cây giống, khai hoang trồng cao su; xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông); chế biến mủ cao su nhằm khuyến khích người dân phát triển cao su tiểu điền theo quy hoạch.
Sau bao thăng trầm, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, cây cao su trên đất Hà Tĩnh đang dần mở ra hướng đi mới!
Trọng Tuệ, nguồn: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/huong-di-nao-cho-cay-cao-su-o-ha-tinh/136099.htm, ngày 28/6/2017 (CN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>