Tin tức

Hội nghị Cao su ANRPC năm 2017: Tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm phục hồi sản xuất

30/10/2017

 Ngày 23/10/2017, tại TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã phối hợp Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức Hội nghị Cao su thường niên lần thứ 10 năm 2017. 


 Hơn 200 đại biểu đến từ 12 quốc gia thành viên ANRPC tham gia hội nghị.

Với chủ đề “Tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm phục hồi sản xuất ngành cao su”, Hội nghị Cao su thường niên ANRPC lần thứ 10 đã trao đổi về các giải pháp hỗ trợ người trồng cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền, ứng phó hiệu quả với sự biến động về giá và tăng cường phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp chế biến trong mỗi quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của toàn ngành.
Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Việt Nam Hà Công Tuấn, đánh giá cao Hội nghị Cao su thường niên năm 2017 được ANRPC chọn tổ chức tại Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, chủ đề của Hội nghị năm nay phù hợp với mong muốn về định hướng phát triển của ngành cao su Việt Nam.
“Hội nghị sẽ tạo diễn đàn cho các nước thành viên ANRPC và các quốc gia khác, cũng như các tổ chức có liên quan gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về các giải pháp tái cấu trúc chuỗi giá trị của ngành cao su thiên nhiên. Qua đó, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, hỗ trợ người trồng ứng phó hiệu quả và giảm rủi ro do sự biến động giá cả của thị trường cao su thế giới và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tiếp tục cung cấp lâu dài nguồn nguyên liệu cao su và gỗ cao su thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cao su”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu về mục đích Hội nghị, ông A. Ajith Kumar, I.A.S – Chủ tịch ANRPC – cho biết Hội nghị Cao su thường niên là một sáng kiến của ANRPC, được khởi xướng vào năm 2008, nhằm thúc đẩy sự tương tác giữa khu vực tư nhân và các thành phần chủ chốt khác trong ngành cao su.
Trong gần mười năm qua, Hội nghị đã phát triển thành một sự kiện cao su quốc tế, nhận được nhiều sự quan tâm với mức độ tham gia ngày càng đông đảo nhờ các chủ đề mang tính thiết thực, nội dung thảo luận tích cực và cách thức tổ chức chu đáo của các chính phủ thành viên.
Ông A. Ajith Kumar, I.A.S – Chủ tịch ANRPC – phát biểu tại Hội nghị
“ANRPC được thành lập vào năm 1970 và hiện nay có 12 quốc gia thành viên, chiếm hơn 90% sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới. ANRPC đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành cao su thiên nhiên ở các nước thành viên. Đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong hoạt động nghiên cứu và khuyến nông trong lĩnh vực cao su thiên nhiên, dẫn đến sự cải thiện đáng kể về năng suất và gia tăng sản lượng của ngành cao su thiên nhiên, từ đó cải thiện mức sống của người trồng cao su. Hơn nữa, ANRPC được đánh giá là nơi cung cấp nguồn số liệu thống kê và thông tin xác thực nhất về ngành cao su thiên nhiên”, ông Ajith Kumar cho hay.
Với vai trò đồng tổ chức Hội nghị Cao su thường niên ANRPC lần thứ 10 năm 2017, phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Giám đốc (TGĐ) VRG Trần Ngọc Thuận khẳng định ngành cao su là một trong những ngành có nhiều đóng góp tích cực về kinh tế, phát triển công nghiệp, cải thiện điều kiện xã hội vùng nông thôn và góp phần bảo vệ môi trường.
“Ngành cao su thiên nhiên Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và có diện tích lớn nhất trong các cây công nghiệp dài ngày, đạt 976.400 ha năm 2016. Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về sản lượng cũng như xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới, đạt trên 1 triệu tấn năm 2016, xuất khẩu đến hơn 80 thị trường, chiếm khoảng 8,3% thị phần thế giới và mang về 1,67 tỷ USD…
Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận phát biểu chào mừng Hội nghị
Nhưng trong 5 năm gần đây, ngành cao su Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá liên tục sụt giảm trên thị trường thế giới do dư cung trên toàn cầu vì nhu cầu tăng chậm trong khi nguồn cung tăng nhanh. Ngoài ra, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh cũng gây thiệt hại lớn cho người trồng cao su.
Qua Hội nghị ANRPC năm nay, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng ngành cao su để tìm giải pháp giúp người trồng ứng phó với những rủi ro do biến động của thị trường và biến đổi khí hậu, tái cơ cấu chuỗi giá trị và phục hồi sản xuất của ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, TGĐ VRG phát biểu.
Phan Thắng – Quỳnh Mai,  Ảnh: Tùng Châu, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/hoi-nghi-cao-su-anrpc-nam-2017-tai-co-cau-chuoi-gia-tri-nham-phuc-hoi-san-xuat.html, ngày 23/10/2017 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>