Tin tức

Hoa Kỳ thay thế Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu

03/04/2023

Hoa Kỳ đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), vị trí trước đây thuộc về Nga. 

 

Ảnh minh hoạ: Reuters
Hãng tin CNN dẫn số liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat ngày 28/3/2023 cho biết trong tháng 12 năm ngoái, 18% nhập khẩu dầu thô của EU đến từ Hoa Kỳ. Đây là một bước ngoặt lớn, bởi Nga cho tới gần đây vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu, chiếm tới 31% nhập khẩu dầu thô của khu vực này ở thời điểm cuối tháng 01/2022. Khi đó, Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai với khoảng cách xa, tỷ trọng đạt 13%.
Cuộc xung đột Nga–Ukraine bùng nổ vào tháng 2 năm ngoái đã gây đảo lộn nguồn cung năng lượng của châu Âu. Các nước trong khu vực mạnh tay cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga, bằng cách áp trừng phạt lên xuất khẩu dầu và than của Nga, đồng thời Nga cũng siết cung cấp năng lượng cho châu Âu thông qua khoá van đường ống dẫn khí đốt. Tháng 12, EU ban lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 áp trần giá lên dầu thô Nga ở mức 60 USD/thùng. Chỉ những thùng dầu Nga tuân thủ trần giá mới có thể được sử dụng các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm do các công ty phương Tây cung cấp.
Dòng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống chủ lực Nord Stream 1 đã giảm dần từ khi chiến tranh nổ ra. Năm 2021, đường ống này cung cấp 35% tổng nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga. Nhưng đến tháng 9/2022, đường ống này đã bị Nga khoá hoàn toàn với lý do được công bố là vấn đề kỹ thuật. Ngoài ra, cung cấp khí đốt Nga qua các đường ống khác cũng bị cắt giảm. Kết quả là tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu khí đốt của châu Âu giảm mạnh, từ 31% trong quý 1/2022 còn 19% vào cuối năm – theo dữ liệu của Eurostat. Cùng với đó, Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ nhì của châu Âu, chiếm thị phần gần 20%, chỉ sau nhà cung cấp lớn nhất là Na Uy – nước chiếm khoảng 31% nhập khẩu khí đốt của châu Âu.
Xuất khẩu dầu thô Hoa Kỳ sang châu Âu đã tăng từ trước xung đột Nga–Ukraine, nhưng cuộc chiến này đẩy cao hơn nữa nhu cầu của châu Âu về tìm kiếm các nguồn dầu khác – theo nhà phân tích cấp cao Jay Maroo của Vortexa. Trong thời gian từ tháng 02 – 4/2022, nhập khẩu dầu thô Nga của châu Âu biến động mạnh – theo Eurostat. Nhưng từ tháng 9/2022 trở đi, lượng nhập khẩu dầu thô Nga vào châu Âu giảm dần, cho tới chi chỉ còn chiếm 4% tổng nhập khẩu dầu của khu vực này vào tháng 12. Đến cuối năm, “các nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu là Hoa Kỳ, Na Uy và Kazakhstan, cho thấy EU đã thích nghi được với bối cảnh thay đổi trên thị trường dầu và gần như loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào dầu Nga”, Eurostat nói.
Về phần mình, Nga cũng tìm được khách mua mới cho những thùng dầu được bán với giá chiết khấu sâu. Dầu thô Urals của Nga hiện đang giao dịch với mức giá 54 USD/thùng, so với mức giá 78 USD/thùng của dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đặc biệt đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra. Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Nga Nikolai Shulginov nói rằng Moscow đã thành công trong việc chuyển hướng toàn bộ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu bị phương Tây từ chối mua – thông tấn Nga TASS đưa tin. Dù vậy, Bộ Năng lượng Nga dự báo sản lượng dầu khí của nước này sẽ giảm trong năm nay, đặc biệt là sản lượng khí đốt do không có khách mua ở châu Âu.
Sự chuyển hướng của dòng chảy năng lượng toàn cầu không phải không gây ra những tổn thất. Nhà phân tích Maroo nói rằng dầu thô xuất khẩu phải đi những quãng đường dài hơn so với trước kia – từ Nga tới Ấn Độ và Trung Quốc, hay từ Hoa Kỳ và Trung Đông và châu Âu – đồng nghĩa với chi phí vận chuyển cao hơn.

Điệp Vũ, nguồn: https://vneconomy.vn/my-the-chan-nga-thanh-nha-cung-cap-dau-tho-lon-nhat-cua-chau-au.htm, ngày 29/3/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>