Tin tức

Hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất cây giống ở Cao su Dầu Tiếng

08/10/2018

 Bắt đầu từ niên vụ 2016 – 2017, Cao su Dầu Tiếng đã quyết định thay đổi phương thức sản xuất cây giống cao su phục vụ tái canh trồng mới. Quyết định này đã mang lại hiệu quả vượt xa sự mong đợi của Công ty.


 

Vận chuyển cây giống chuẩn bị trồng tái canh tại Nông trường Cao su Thanh An. Ảnh: Phan Thắng
Tiết giảm hơn 8,7 tỷ đồng/vụ
Trước những tác động thất thường của thời tiết và giá mủ cao su xuống thấp, khiến tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Trong tình hình đó, ban lãnh đạo Công ty đã kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD, tiết giảm suất đầu tư nhằm hạ giá thành sản xuất. Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua chính là việc Công ty thực hiện hợp đồng với các đơn vị, cá nhân sản xuất và cung cấp cây giống thay cho tự sản xuất như trước đây.
Số liệu tổng hợp cho thấy, niên vụ 2015 – 2016 Công ty tự sản xuất cây giống với số lượng gần 1.124.000 cây để trồng 2.026,50 ha cao su. Với đơn giá 23.418 đồng/cây giống, tính ra Công ty phải chi phí trên 26,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong niên vụ 2016 – 2017, Công ty thực hiện hợp đồng với các đơn vị, cá nhân sản xuất và cung cấp cây giống với số lượng 753.233 cây để trồng trên 1.100 ha cao su. Với đơn giá 11.793 đồng/cây, giảm 11.625 đồng/cây, Công ty chỉ phải chi phí 8,882 tỷ đồng cho sản xuất cây giống, tiết kiệm được 8,756 tỷ đồng.
Rõ ràng đơn giá cây giống khi hợp đồng với các đơn vị, cá nhân thấp hơn, chỉ bằng 50,36% so với Công ty tự sản xuất do vậy đã giúp tiết giảm khá nhiều chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Đức  Hiền – Trưởng phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Công ty cho biết, khi thực hiện việc ký hợp đồng cung cấp cây giống với các đơn vị, cá nhân bên ngoài, Công ty tiết giảm được nhiều chi phí.
Thu 378 triệu đồng bán cành gỗ giống
Cũng theo ông Hiền, do hợp đồng với nhiều đơn vị, địa điểm lập vườn giống phân bố tại nhiều nông trường nên giảm được khoảng cách vận chuyển cây giống từ điểm tập kết vườn giống đến các lô trồng. Điều này, không chỉ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển cây giống mà còn giảm tỷ lệ cây chết do động bầu trong quá trình vận chuyển. “Khi hợp đồng với các đơn vị, cá nhân, Công ty bán gỗ giống cho các đơn vị tháo ghép đúng cơ cấu giống theo yêu cầu của Công ty. Niên vụ 2016 – 2017, Công ty đã xuất bán trên 58.000 cành gỗ giống cho các đơn vị hợp đồng và thu được gần 378 triệu đồng”, ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hiền, khi hợp đồng với nhiều đơn vị, diện tích lập vườn giống, số lượng cây giống cung cấp được chia nhỏ ra nên công tác chăm sóc, phòng trị bệnh được thực hiện dễ dàng hơn từ đó hạn chế được rủi ro thiếu hụt cây giống do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Theo đánh giá của Công ty, chất lượng cây giống xuất vườn được tốt hơn so với khi Công ty tự sản xuất.
Ngoài ra, trên các lô cao su lập vườn giống, khi các đơn vị hợp đồng chăm sóc cây giống (tưới nước, bón phân, làm cỏ, phun thuốc phòng trị bệnh…) thì cây cao su chính cũng được hưởng một phần nên sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ việc hợp đồng với các đơn vị sản xuất và cung cấp cây giống cho Công ty so với việc tự sản xuất, trong niên vụ 2017 – 2018, Công ty tiếp tục hợp đồng với 16 đơn vị, cá nhân để sản xuất và cung cấp 964.000 cây giống để phục vụ cho nhiệm vụ tái canh trồng mới năm 2018 là 1.555,66 ha cao su.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>