Tin tức

Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội để xuất khẩu gỗ sang thị trường Úc

27/06/2022
Nhu cầu thị trường lớn và lợi thế từ các Hiệp định đã ký kết với thị trường Úc, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh tới thị trường này.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Úc trong tháng 5/2022 đạt 16,4 triệu USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Úc đạt 80,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng xuất khẩu chính tới thị trường Úc trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 49,2 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Úc. Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Úc, đạt 20,6 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ đạt 13,3 triệu USD, giảm 4,8%; ghế khung gỗ xuất khẩu đạt 11 triệu USD, tăng 32,6%...
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Úc là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 trên thế giới, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017 – 2021, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%. Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 11,4% tổng trị giá nhập khẩu của Úc. Vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đẩy mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2022 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác cũng được xuất khẩu tới thị trường Úc như: Gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… Trong đó, đáng chú ý trị giá xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tới thị trường Úc đạt 8,5 triệu USD, tăng 266,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Úc có nhiều thuận lợi, bởi Việt Nam và Úc là thành viên chung của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm: Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngày 21/12/2021, Chính phủ Việt Nam và Úc đã công bố Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế kèm theo lộ trình thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn đầu 2021 – 2025, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau trên cơ sở các lợi thế so sánh riêng mang tính bổ trợ cao.
Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc tiếp tục tăng trưởng mạnh, thể hiện trên nhiều ngành hàng thương mại nông nghiệp và công nghiệp khác nhau. Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc đạt 1,8 tỷ USD. Với tiềm năng và sự bổ sung hợp lý từ cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Úc. Ngược lại, Úc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, so với năm 2020 đã tăng hơn 1 bậc.
Dự kiến thương mại giữa Việt Nam và Úc sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới, đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức cao kỷ lục mới. Theo đó, nhiều ngành hàng, trong đó có ngành gỗ sẽ có cơ hội tăng trưởng khả quan tại thị trường Úc trong những năm tới. Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện, Thương vụ đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu, góp phần phục vụ nền kinh tế Việt Nam. Hiện, trên ứng dụng thương mại điện tử của Thương vụ đã đăng tải các thông tin có liên quan về nhà nhập khẩu và giá cả để doanh nghiệp Việt Nam tham khảo.

Nguyễn Hạnh, nguồn: https://congthuong.vn/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-co-hoi-de-xuat-khau-go-sang-thi-truong-australia-181040.html, ngày 23/6/2022 (KL trích dẫn)

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>