Tin tức

Giải pháp nào để phát triển bền vững ngành cao su và ngành gỗ

01/10/2018

 Đó là nội dung của buổi hội thảo đã diễn ra vào chiều ngày 28/9/2018 tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; thông qua báo cáo thực trạng và giải pháp phát triển bền vững – sản phẩm hợp tác nghiên cứu của Hiệp hội Cao su Việt Nam – VRA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – VIFORES, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM – HAWA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định – FPA Bình Định và Tổ chức Forest Trends. 


 Tại buổi hội thảo này, các Hiệp hội Cao su – Hiệp hội Gỗ và tổ chức Forest Trend đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác – nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường và vận động chính sách liên thông.

Bức tranh tổng thể về cao su:
Hiện Việt Nam (VN) trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng suất cao su thiên nhiên ở châu Á, bình quân sản lượng tăng trưởng đạt 9,5%/năm trong những thập kỷ vừa qua, từ 41.100 tấn năm 1980 lên 1.094.500 tấn năm 2017, tăng 26,6 lần. Với con số sản lượng này, VN là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia.
Tính đến năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ. Hiện có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu sản xuất, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – FDI và các hộ gia đình (cao su tiểu điền). Trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 51% trong tổng diện tích, xuất khẩu là trọng tâm, với trên 80% cao su thiên nhiên của VN được xuất khẩu, sự phát triển của ngành cao su cho đến nay chịu tác động rất lớn từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ 60 – 70% tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của VN.
Cao su tiểu điền đã bắt đầu phát triển ở VN từ những năm 1980, loại hình này có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 2006 – 2015. Đến năm 2011, tổng số hộ tham gia trồng cao su là trên 258.000 hộ, tăng hơn 43% so với năm 2006. Nếu tính bình quân 02 ha cao su cần 01 lao động thì số lao động hiện đang làm việc trong các hộ tiểu điền năm 2017 gần 132.000 lao động. Cao su tiểu điền mới phát triển ở Trung du miền núi phía Bắc trong những năm gần đây, năm 2017 có 5.200 hộ tham gia trồng cao su ở vùng này, chỉ chiếm 2% tổng số hộ trồng cao su trên của cả nước.
Hàng năm VN xuất khẩu cao su khoảng 1,3 triệu tấn, sản xuất trong nước chỉ đạt 01 triệu tấn. Lượng cao su xuất khẩu cao hơn sản lượng trong nước là do mỗi năm ngành này nhập khẩu một lượng cao su nguyên liệu tương đối lớn từ nước ngoài, chủ yếu là từ các nước lân cận như: Lào, Campuchia và Thái Lan. Bình quân Việt Nam nhập khẩu khoảng 300.000 – 500.000 tấn cao su thiên nhiên mỗi năm. DNVN nhập khẩu cao su nguyên liệu từ nước ngoài bao gồm: tạm nhập tái xuất đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, đặc biệt là những chủng loại cao su mà VN ít sản xuất. Một số dự án của DNVN đầu tư trồng cao su ở Lào, Campuchia đã vào thời kỳ thu hoạch. Cao su thiên nhiên thu từ nguồn này được xuất khẩu trở lại Việt Nam, một số doanh nghiệp trong nước cần những chủng loại phù hợp, có nguồn gốc nhập khẩu để chế biến sản phẩm cao su như: lốp xe radial toàn thép, găng tay y tế…
VN là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn thứ 11 trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 7,6% hàng năm trong 05 năm gần đây. Tuy nhiên, khối lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 215.900 tấn, chiếm 1,6% trong tổng lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ của thế giới. Tầm quan trọng của ngành không chỉ là thể hiện qua các con số về kim ngạch xuất khẩu của 03 nhóm mặt hàng là cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ cao su, mà còn về khía cạnh xã hội: Ngành cao su tạo ra công ăn việc làm ổn định cho khoảng 500.000 lao động, gần 264.000 lao động thuộc hộ cao su tiểu điền. Đến nay, dù giá cả biến động, diện tích cây cao su vẫn dẫn đầu trong các cây công nghiệp dài ngày tại VN, khoảng 970.000 ha.
Bức tranh tổng thể ngành gỗ:
Ngành công nghiệp chế biến gỗ – ngành gỗ là một trong những ngành kinh tế quan trọng của VN. Năm 2017, ngành đạt 7,66 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 06 về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các ngành. Gỗ và sản phẩm gỗ – SPG của VN được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 05 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 02 châu Á, thứ 05 trên thế giới.
Gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ, mỗi năm ngành cao su cung ra thị trường khoảng 4,5 – 05 triệu m3 gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc pháp lý rõ ràng rất quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa. Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7 – 1,8 tỷ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, là 01 trong 03 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su.
Hầu hết các giao dịch giữa thương lái, xưởng xẻ với các hộ dân là thỏa thuận miệng hoặc thỏa thuận viết tay, rất ít giao dịch có xác nhận của chính quyền địa phương, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn cho ngành gỗ xuất khẩu trong tương lai. Dự báo lượng gỗ cao su thanh lý cung cấp ra thị trường giai đoạn 2018 – 2023 sẽ có sự sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng dưới 50% lượng cung hàng năm trong giai đoạn 2015 – 2017. Năm 2024 khối lượng gỗ thanh lý dự đoán tăng đột biến so với giai đoạn 2018 – 2023, lên tới 7,3 triệu m3. Giai đoạn 2026 – 2030 lượng gỗ cao su thanh lý thu được mỗi năm cơ bản chỉ tương đương với trung bình của giai đoạn 2015 – 2017. Sự thay đổi có tính chất đột biến về diện tích cao su thanh lý cũng như lượng gỗ từ nguồn cung này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu gỗ trầm trọng cho ngành chế biến gỗ của VN.
Doanh nghiệp nêu ý kiến
Doanh nghiệp nói gì về mối tương quan:
Tất cả chúng ta cần hiểu rằng chúng ta cần gì đối với gỗ cao su, giữa hai “ngành” chưa liên kết được với nhau thì khó phát triển bền vững, dẫn đến sự thiệt hại cho ngành chế biến gỗ. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, 06 tháng đầu năm chúng ta chưa thấy gì khác biệt nhưng bước sang năm 2019 sẽ có nhiều khác biệt. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ sang VN đầu tư, nếu như số lượng nhà đầu tư nhảy vọt dẫn đến sự tăng đột biến trong xuất khẩu của ngành gỗ sẽ là nguyên nhân sâu xa làm cho chúng ta thiệt hại ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vì vậy trong hợp tác quốc tế, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp của VN cần phải thận trọng. Chúng ta cũng nên hạn chế xuất khẩu gỗ tròn, gỗ bắp, gỗ dăm… vì trong nước đã có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thành phẩm. Đối với kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đang phát triển khá ấn tượng, nguyên liệu gỗ cao su là mặt hàng được thế giới ưa chuộng nhưng đang cạn kiệt, vì vậy các doanh nghiệp VN cần chuẩn bị đầu tư nguồn nguyên liệu thay thế…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>