Tin tức

Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su SVR 10

27/11/2017

 Xuất phát từ trăn trở sản phẩm cao su SVR 10 bị rớt hạng, giá bán không cao, 2 nhân viên làm việc tại Xí nghiệp Chế biến Vận tải (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông) đã dày công nghiên cứu và tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng. 


 Giải pháp đã đạt giải ba Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII (2016 – 2017) tỉnh Gia Lai”.

Năm 2014 – 2015 sản phẩm cao su SVR 10 của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông bị rớt hạng với tỷ lệ cao từ 10 – 17%. Sản phẩm SVR 10 phải hạ xuống SVR 20, thậm chí đưa xuống sản phẩm ngoại lệ. Vì thế, giá bán không cao, ảnh hưởng đến thu nhập của Công ty.
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, hai nhân viên Trần Đình Hiệu và Hồ Công Học đang công tác tại Xí nghiệp Chế biến vận tải của Công ty đã dày công nghiên cứu và tìm ra được giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su SVR 10 hiệu quả. Giải pháp của hai anh đoạt giải ba Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII (2016 – 2017) tỉnh Gia Lai”.
Anh Trần Đình Hiệu chia sẻ: Là nhân viên chuyên làm công tác chế biến mủ cao su, thấy sản phẩm của Công ty bị rớt hạng làm cho chúng tôi và lãnh đạo Công ty hết sức trăn trở. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Nguyên nhân nào làm cho sản phẩm SVR bị rớt hạng? Tại sao sử dụng phèn nhôm thì bị rớt giá sản phẩm? Phèn nhôm có ảnh hưởng như thế nào đến cao su? Cách xử lý như thế nào để sản phẩm đạt chất lượng, không bị rớt hạng…
Để tìm nguyên nhân sản phẩm cao su SVR 10 bị rớt hạng, chúng tôi đã tiến hành khảo sát chất lượng nguyên liệu mủ. Bằng phương pháp loại trừ, cuối cùng, tìm ra nguyên nhân chính là do công nhân sử dụng chất keo tụ để đánh đông nguyên liệu mủ nước dẫn đến sản phẩm cao su SVR 10 chứa nhiều tro.
Quá trình đánh đông từ nguyên liệu mủ nước, người khai thác đã sử dụng một số hóa chất như Acid Acetic – phèn nhôm để làm đông tụ mủ nước. Để có kết quả này, chúng tôi phải lấy 136 mẫu để kiểm tra mủ đông từ các đội khai thác cao su. Qua tổng hợp kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ rớt hạng do hàm lượng tro cao.
Chúng tôi làm nhiều thí nghiệm và đi đến kết luận: Việc tồn tại hàm lượng tro cao trong mủ cao su là do tồn tại cặn kim loại không bị phân hủy hoặc cháy thành tro. Tìm được nguyên nhân rồi, song làm thế nào để khắc phục được chỉ tiêu hàm lượng tro trong sản phẩm. Đây là vấn đề nan giải, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu tìm cách loại bỏ ion Al3+ ra khỏi nguyên liệu khi sản xuất sản phẩm SVR 10. Qua nhiều thí nghiệm rửa mủ cao su bằng dung dịch HCl loãng và bằng dung dịch NaOH loãng, chúng tôi đã chọn giải pháp rửa nguyên liệu bằng NaOH. Khi thực hiện công đoạn cán ủ nguyên liệu (giai đoạn 1), cán băm trộn tinh khí mủ được tạo hạt băm trộn khuấy rửa tại hồ chứa mủ, ta cho một lượng NaOH có nồng độ 0,001%. Tại bể này NaOH sẽ phản ứng với Al(OH)3 hoặc dạng Al2O3 tạo thành NaAlO2 tan trong nước. Bằng phương pháp hóa học cộng với khuấy trộn sẽ loại bỏ phần lớn Al(OH)3 hoặc dạng Al2O3 ra khỏi nguyên liệu.
Gần hai năm xác định nguyên nhân và đã đưa ra giải pháp rửa nguyên liệu bằng NaOH để loại bỏ hết hàm lượng tro trong sản phẩm cao su nên sản phẩm SVR 10 từ năm 2016 đến nay không bị rớt hạng, đảm bảo chất lượng theo TCVN 3769:2016 và đạt chất lượng sản phẩm thương hiệu VRG”, anh Hiệu giải thích.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>