Tin tức

Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ bắt đầu quay trở lại

13/02/2023

Những tín hiệu tích cực sẽ giúp cho xuất khẩu đồ gỗ khởi sắc trong thời gian tới.
 


Ngày 09/02/2023, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) và Công ty Viforest Fair tổ chức buổi giới thiệu “Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP. HCM – Hawa Expo 2023” từ ngày 22 – 25/02/2023, với 1.600 gian hàng của 200 nhà sản xuất gỗ trong nước và nước ngoài. Sự kiện cũng ghi nhận những thông tin cập nhật và nhận định về triển vọng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam từ các chuyên gia trong ngành.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,1 tỷ USD so với năm 2021. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng cao ở mức hai con số mỗi năm nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao. Tuy nhiên, chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế. 
HAWA ký kết với Hiệp hội Du lịch TP. HCM tổ chức
các tour tham quan nhà máy sản xuất chế biến gỗ
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các bên trong ngành phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng triển khai, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Việt Nam, hướng đến quy mô và tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trở thành trung tâm năng động, động lực tăng trưởng của ngành tại khu vực, lựa chọn và tổ chức gian hàng quốc gia Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện quốc tế chuyên ngành, có uy tín tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada.... Về nội tại, hiệp hội, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, thiết kế và phát triển sản phẩm; kỹ năng nghiên cứu thị trường nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam.
Cũng tại sự kiện, nhận định từ các hiệp hội gỗ trong nước dự báo xuất khẩu năm nay tiếp tục gặp khó khăn, do đó, ngành gỗ chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay là khoảng 17,5 tỉ USD, so với năm ngoái xuất khẩu được 16,928 tỉ USD. Tuy nhiên, ghi nhận nhanh từ phía các doanh nghiệp trong ngành cho thấy trong tháng 01/2023, đơn hàng đã bắt đầu trở lại nhưng vẫn còn giới hạn, đây là tín hiệu tích cực sau khoảng nửa năm xuất khẩu đồ gỗ giảm đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ quy mô lớn cho biết, xuất khẩu đồ gỗ năm nay sẽ có kỳ vọng từ nhiều thị trường mới. Ngay cả thị trường Trung Đông khó tính cũng chấp nhận mua hàng từ Việt Nam. Tình hình tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới sẽ tốt hơn do lạm phát tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng như không còn suy thoái kinh tế như thời gian trước đó.
Một tín hiệu lạc quan khác là thời điểm năm ngoái, nguồn hàng đồ gỗ tồn kho tại các nước nhập khẩu kể cả trong nước là khá lớn. Do đó, các nhà nhập khẩu lớn gần như không nhập hàng để tập trung tìm giải pháp bán hàng ra. Đến thời điểm này, nguồn hàng tồn trước đó cơ bản đã được bán ra gần hết nên các nhà nhập khẩu cũng đang khởi động việc nhập hàng trở lại. Bên cạnh đó, phí vận chuyển trên thế giới hiện đang giảm rất mạnh cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tốt hơn. Trước đây, một container gỗ (loại 40 feet) vận chuyển từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có mức phí rất cao từ 20.000 – 22.000 USD thì nay giảm còn 1.600 – 1.700 USD.

Ng.Hải, Xuân Anh, Nguyễn Hiền, nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/don-hang-xuat-khau-do-go-bat-dau-quay-tro-lai-20230209190238559.htm, https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-go-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-tim-kiem-khach-hang-20230209201731243.htm, https://haiquanonline.com.vn/5-hiep-hoi-trong-nganh-che-bien-go-bat-tay-giai-bai-toan-tac-nghen-don-hang-171431.html, ngày 09/02/2023 (HG tổng hợp, trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>