Tin tức

Doanh nghiệp Nhật được hỗ trợ tối đa 5 tỷ Yên khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam

27/07/2020

15/30 doanh nghiệp trúng tuyển lần đầu trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng sản xuất đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ tối đa 5 tỷ JPY, tương đương 1.050 tỷ đồng cho việc mở rộng đầu tư sản xuất.


Việc mở rộng đầu tư sang Việt Nam nhằm khai thác thị trường gần 100 triệu dân và ưu đãi thuế quan xuất khẩu trong khuôn khổ FTA mà Việt Nam đã ký.

Tại buổi họp báo thông tin về việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam chiều nay (23/7), ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, trong lần xét tuyển đầu tiên của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố hôm 17/7, trong số 124 doanh nghiệp ứng tuyển, 30 doanh nghiệp đã được lựa chọn hỗ trợ mở rộng sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó, 15 doanh nghiệp lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 
Doanh nghiệp nằm trong chương trình sẽ được hỗ trợ dao động từ 1 triệu JPY (50 tỷ đồng) đến 5 tỷ JPY (1,50 tỷ VNĐ), tỷ lệ hỗ trợ phụ thuộc vào quy mô từng dự án.
Bước tiếp theo là JETRO và doanh nghiệp sẽ ký kết thỏa thuận. Sau đó, dựa trên thỏa thuận và kế hoạch được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư và sản xuất. Tiếp đó, JETRO và METI sẽ thẩm định việc hoạt động sản xuất có đúng với thỏa thuận và kế hoạch đã được phê duyệt hay không? Khi ấy Chính phủ mới cấp ngân sách hỗ trợ thông qua JETRO.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội. Ảnh Ngọc Hà
Ông Takeo lưu ý việc này là mở rộng hoạt động sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chứ không phải là chuyển dịch sản xuất. Ví dụ để sản xuất một chiếc bút, chi tiết ống mực sẽ được sản xuất tại nhà máy ở cả Việt Nam và Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Đại diện JETRO cho biết, 15 doanh nghiệp lựa chọn mở rộng đầu tư tại Việt Nam cho thấy triển vọng kinh doanh tại Việt Nam rất tốt. Đồng thời, việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch so với khu vực cũng là yếu tố quan trọng khiến nhà đầu tư Nhật chọn Việt Nam là điểm đến. Trong dài hạn, việc doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam còn là để tận dụng thị trường gần 100 triệu dân, cơ hội về xuất xứ hàng hóa từ những FTA mà Việt Nam đã ký. 
Việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và ASEAN.
Việc đa dạng hoá hoạt động sản xuất thay vì tập trung tại một địa điểm sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp có thể tăng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, lợi thế của thị trường Việt Nam là chi phí nhân công vẫn cạnh tranh hơn, chi phí đầu tư vào khu công nghiệp rẻ hơn và ưu đãi thuế quan xuất khẩu đi các thị trường quan trọng như EU và Mỹ... sẽ bù đắp được phần chi phí tăng cao hơn do đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Nhật Bản tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... đã được chuẩn hóa nhưng chi phí đầu tư cao hơn và chi phí cho người lao động ngày càng leo thang. Điều này càng củng cố cho quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Chính phủ được đưa ra mới đây và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm cho thời điểm diễn ra chương trình này sớm hơn.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại việc Việt Nam chưa cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án sản xuất và đa dạng hóa của doanh nghiệp Nhật Bản. 
Trước đó, ngày 17/7, theo nguồn tin từ Bloomberg, Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản đã công bố danh sách 57 công ty được nhận hỗ trợ 57,4 tỷ JPY, tương đương 536 triệu USD trong khuôn khổ chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng sản xuất, trong đó có hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp. Trong số 30 công ty đăng ký mở rộng đầu tư sang ASEAN có 15 doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Về thông tin này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho biết lời giải nằm ở phía Việt Nam. Hiện xu hướng cạnh tranh để thu hút dòng vốn ngày càng trở nên gay gắt và Việt Nam chưa phải điểm đến lý tưởng nhất, lựa chọn số 1 do những thiếu hụt về chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Việt Nam vẫn còn hạn chế về cơ chế thực hiện thủ tục hành chính và tình trạng tham nhũng vẫn còn đã khiến Việt Nam mất điểm trong mắt các nhà đầu tư lớn.
Ông Takeo cũng cho rằng những hạn chế về tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham nhũng và việc thực thi chính sách có mức độ hiểu ở cấp Trung ương và địa phương khác nhau khiến quá trình đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>