Tin tức

Do sản lượng cao su giảm, các nhà sản xuất lốp xe Ấn Độ yêu cầu chính phủ nới lỏng nhập khẩu

26/04/2019

 Chênh lệch cung – cầu tại Ấn Độ đã tăng lên 45% trong 10 tháng đầu năm tài chính 2018 – 2019. Ngành lốp xe trong nước thể hiện lo ngại về sự sụt giảm sản lượng cao su thiên nhiên trong nước vì dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa cung và cầu.


 Hiệp hội Các nhà sản xuất lốp ô tô (ATMA) Ấn Độ cho biết, tiêu thụ cao su thiên nhiên đã tăng 12%, trong khi sản lượng giảm 7% trong giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 01/2019. Sản lượng thiếu hụt trong giai đoạn này ở thời điểm cùng kỳ năm trước ở mức 316 ngàn tấn và trong năm tài chính hiện tại đã tăng lên 463 ngàn tấn.

Dựa trên số liệu từ Tổng cục Cao su Ấn Độ, ATMA cho biết tiêu thụ cao su của Ấn Độ đã chạm mức 1 triệu tấn trong giai đoạn trên, trong khi sản lượng là 560 ngàn tấn, dẫn đến tỷ lệ thiếu hụt 45%.
“Lần đầu tiên, tiêu thụ cao su thiên nhiên Ấn Độ đã vượt 1 triệu tấn trong 10 tháng đầu của năm tài chính, ghi nhận mức tiêu thụ trung bình hàng tháng là 100 ngàn tấn. Ngành lốp xe muốn tăng cường sản xuất cần được hỗ trợ bằng cách gia tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào; nếu không sẽ làm giảm cạnh tranh đối với sản xuất trong nước”, ông Rajiv Budhraja, Tổng Giám đốc ATMA cho biết.
Lượng tiêu thụ có khả năng vượt dự báo của Tổng cục là 1,2 triệu tấn cho năm 2018 – 2019. Với sản lượng nội địa chỉ cung cấp 55% tổng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên, sự phụ thuộc vào nhập khẩu của ngành cao su đã tăng thêm 30%. Lượng nhập khẩu là 489,085 ngàn tấn (so với cùng kỳ năm trước đó 375,339 ngàn tấn).
Ngành lốp xe Ấn Độ đã kiến nghị Bộ Thương mại nới lỏng nhập khẩu cao su vì đây là nhu cầu cấp bách cho hoạt động của các nhà máy lốp xe. Tuy nhiên, cơ chế chính sách rất bất lợi khi thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên là 25%, cao hơn so với mức thuế suất tại bất kỳ nước nhập khẩu cao su nào khác.
Hạn chế đối với nhập khẩu cao su cũng làm tăng thêm chi phí và sự chậm trễ. Hơn nữa, ngành lốp xe cần phải tuân thủ các điều kiện trước khi nhập khẩu cao su thiên nhiên cùng với nghĩa vụ về xuất khẩu lốp xe. Hơn nữa, thời hạn nghĩa vụ xuất khẩu lốp xe đã giảm từ 18 tháng xuống chỉ còn 6 tháng gây khó khăn cho ngành này.
Do đó, ngành lốp xe đã yêu cầu chính phủ tăng sản lượng cao su nội địa và giảm thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên xuống dưới 10% do thuế nhập khẩu cơ bản đối với lốp xe là 10%.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch (Thanh Danh), nguồn: https://www.thehindubusinessline.com/markets/commodities/as-rubber-output-dips-tyre-makers-ask-govt-to-ease-supplies/article26523978.ece, 13/3/2019


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>