Tin tức

Điển hình phát triển kinh tế gia đình ở Cao su Phước Hòa

03/05/2017

 Tại Công ty CP Cao su Phước Hòa có hai mô hình trồng mì và trồng nấm, mỗi mùa vụ, sau khi trừ hết các khoản chi phí, thu lãi từ 35 – 55 triệu đồng.


 

Anh Nguyễn Thành Được (trái) giới thiệu về mô hình trồng xen mì trong vườn cao su KTCB
Trồng mì xen cao su
Cách đây 3 năm, khi đơn vị khuyến khích người lao động (NLĐ) trồng xen tăng thu nhập, anh Nguyễn Thành Được – nhân viên bảo vệ NT Lai Uyên –đã chủ động đăng ký thuê đất trong vườn cao su kiến thiết cơ bản (KTCB) để trồng xen mì, mỗi hecta thuê một năm là 5 triệu đồng. Năm 2015, anh Được thuê 7 ha trồng mì, với giá bán 2.200 đồng/kg, sau khi thu hoạch và trừ tất cả các khoản chi phí, anh lãi 54 triệu đồng.
Năm 2016, phát huy thành quả và những kinh nghiệm thực tế qua mùa vụ vừa rồi, anh thuê 16 ha trồng mì, với giá bán 1.400 đồng/kg, giá giảm so với mùa vụ năm 2015. Sau khi thu hoạch trừ tất cả các khoản chi phí, anh lãi gần 70 triệu đồng. Năm 2017, anh Được thuê 30 ha đất cao su của nông trường để trồng xen mì. Diện tích mì do anh Được trồng luôn cho năng suất và hàm lượng bột cao. Năng suất củ mì bình quân đạt hơn 40 tấn/ha.
Nhờ cây mì mà gia đình anh Được có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống kinh tế. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng xen mì trong vườn cao su KTCB, anh Được cho biết: “Để cây mì sinh trưởng tốt, cho nhiều củ, tôi tìm hiểu các kỹ thuật trồng mì hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu khuyến nông, tài liệu kỹ thuật. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tôi đánh giá cao giống mì KM419 do có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống mì khác. Giống này cho củ độ bột cao (bình quân 28 – 30%), năng suất bình quân từ 40 – 45 tấn/ha”. Với những kinh nghiệm trồng xen trong những mùa vụ vừa qua, năm nay, ngoài trồng 30 ha mì, anh Được còn mạnh dạn thuê đất trồng xen 20 ha mía trong vườn cao su KTCB.
Hiệu quả cao từ mô hình trồng nấm
Anh Trịnh Minh Quyền – nhân viên Bộ phận Nông nghiệp – và vợ, chị Lường Thị Thi – nhân viên chăm sóc cao su nông trường (NT) Lai Uyên bắt đầu trồng nấm trong vườn cao su từ tháng 02/2016. Với diện tích 300m2, anh trồng 10.000 bịch nấm bào ngư xám. Mỗi mùa vụ kéo dài 5 tháng, sau khi trừ tất cả chi phí, vợ chồng anh lãi hơn 35 triệu đồng. Năm 2017, anh trồng 22.000 bịch nấm bào ngư xám và đang nghiên cứu trồng nấm linh chi. Hiện tại, mỗi ngày anh Quyền bán từ 15 – 20 kg, cao điểm 40 – 45kg nấm bào ngư với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Anh Quyền cho biết, sắp tới sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Anh Trịnh Văn Thê – Chủ tịch Công đoàn () NT Lai Uyên, chia sẻ: “Hai mô hình trồng mì của anh Được và trồng nấm của anh Quyền là mô hình điển hình tiêu biểu được CĐ đơn vị tuyên truyền, nhân rộng đến NLĐ. Hiện tại ở NT Lai Uyên, mỗi CNVC LĐ đều phát triển kinh tế hộ gia đình, nhỏ thì trồng rau, nuôi gà, heo… cung cấp thực phẩm cho gia đình. Lớn thì thuê đất trồng xen các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi với quy mô lớn. Đa số NLĐ đều có đất nông nghiệp, nên họ canh tác trên chính mảnh đất của mình”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>