Tin tức

ĐIỂM TIN VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH

04/06/2018

 Doanh nghiệp được hỗ trợ khi nhận chuyển giao công nghệ

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ. 

 Trong đó, doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao từ tổ chức khoa học và công nghệ được nhận nhiều hỗ trợ, cụ thể:

- Được cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ;
- Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp. 
Mức kinh phí dành cho những hỗ trợ nêu trên được quy định như sau:
- Mức hỗ trợ theo những quy định hiện hành đối với các nguồn kinh phí quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định này; 
- Được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng đối với các khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Danh Võ) tổng hợp
Cách thức đưa hàng hóa vào mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (SGDHH).
Theo đó, để đưa hàng hóa vào mua bán qua SGDHH thì tùy theo từng loại hàng hóa mà thực hiện như sau:
- Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh thì SGDHH phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để niêm yết giao dịch trên SGDHH.
- Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thì SGDHH có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch.
Quy định mới về trị giá hải quan hàng xuất khẩu
Ngày 20/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
Trong đó, đưa ra quy định mới về trị giá hải quan hàng xuất khẩu, cụ thể:
Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa (GBHH) tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:
- GBHH tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan;
- GBHH xuất khẩu giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan và tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về GBHH tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;
- GBHH xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Từ ngày 05/6/2018, Quyết định 19/2018/QĐ-TTg quy định về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC được xác định dựa trên những tiêu chí sau:
- ƯDCNC thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
- Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
- Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ƯDCNC, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, …
- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho cá nhân sản xuất nông nghiệp
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP(có hiệu lực từ ngày 05/6/2018) được Chính phủ ban hành nhằm quy định về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).
Theo đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp (SXNN) nằm trong chính sách hỗ trợ BHNN của Nhà nước sẽ được hưởng mức hỗ trợ như sau:
- Cá nhân SXNN thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN;
- Cá nhân SXNN không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN;
- Tổ chức SXNN có quy mô lớn áp dụng KHCN và quy trình sản xuất tiên tiến, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN.
Bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nếu các đối tượng nằm trong các rủi ro:
- Rủi ro thiên tai: Bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại,...thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước (CQNN);
- Rủi ro bệnh dịch: Dịch bệnh của động vật, dịch hại thực vật, dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của CQNN.
Nguyên tắc xử lý tài chính khi cổ phần hóa DNNN
Thông tư 41/2018/TT-BTC hướng dẫn 09 nguyên tắc xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); trong đó có thể kể đến như là:
- Khi nhận được quyết định cổ phần hóa, DNNN phải thực hiện tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, nguồn vốn và xử lý các vấn đề về tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Việc kiểm kê, phân loại thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn tại Mục I, Mục II Chương 2 Thông tư 41.
- Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11.
- Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Danh Võ) tổng hợp


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>