Tin tức

Đắk Nông: Bức xúc vì quyền lợi bị "bỏ quên", hàng trăm hộ dân yêu cầu Công ty Nam Nung trả lại đất

28/09/2020

Trong thời gian dài, Công ty TNHH MTV Nam Nung sản xuất kinh doanh thua lỗ, và để xảy ra tranh chấp đất đai với hàng trăm hộ dân liên kết thực hiện Dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Krông Nô.


Tranh chấp kéo dài nhiều năm

Điều tra theo đơn thư bạn đọc cho thấy, Lâm trường Nam Nung thành lập năm 1987, đến năm 2010 chuyển thành Công ty TNHH MTV Nam Nung (Công ty Nam Nung). Hiện tại, Công ty có 116 cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ 7.600 ha rừng, chăm sóc 1.200 ha cao su và 16 ha cà phê.
Vườn cao su tranh chấp tại TK 600
Ông Hà Hữu Thanh, Phó Giám đốc phụ trách cho biết: Trong thời gian dài Công ty thua lỗ nặng. Chỉ tính hai năm 2018 và 2019 lỗ 28 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, Công ty nợ công nhân 9 tháng lương với số tiền gần 6 tỷ đồng; nợ hơn 19 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Cũng theo ông Thanh, việc tranh chấp đất đai, và tranh chấp hợp đồng khoán vườn cây giữa công ty với 172 hộ dân các bon Ja Ra, R’cập, xã Nâm Nung và bon Đắc P’rí, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã kéo dài nhiều năm, hiện chưa giải quyết dứt điểm.
Qua điều tra cho thấy, khi Lâm trường Nam Nung còn trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, ngày 13/12/1997, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 2666/QĐ-UB, về việc phê duyệt Dự án trồng cao su thiên nhiên của Lâm trường Nam Nung, tại các Tiểu khu (TK) 600, 601 và 1289 tại xã Nam Nung (năm 2003 chia tách thành 2 xã Nâm Nung và Nâm N’Đir). Theo đó, Lâm trường Nam Nung trồng mới 875 ha và chăm sóc 150 ha cao su, với tổng vốn đầu tư hơn 19,2 tỷ đồng. Trên cơ sở dự án được phê duyệt, Lâm trường Nam Nung vận động các hộ dân có đất nương rẫy trong vùng dự án đưa đất vào liên kết trồng cao su theo phương thức: “Trồng cao su tiểu điền, liên doanh, liên kết, lấy nông hộ làm nòng cốt, lâm trường làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, vật tư, phân bón và giống”.Cụ thể, năm 2002, 98 hộ dân bon Đắk P’rí đưa 196,2 ha đất rẫy cũ tại TK 1289 vào liên kết trồng cao su với Lâm trường Nam Nung. Bản danh sách các hộ đưa đất liên kết trồng cao su có chữ ký của 98 hộ, xác nhận của bon; có chứng thực, đóng dấu của ông Y Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung và ông Vũ Minh Khôi, Giám đốc lâm trường. Nhiều nhân chứng, trong có ông Y Đen, già làng bon Đắk P’rí, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Nung (1983 – 2000); Y Krích, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Krông Nô, nguyên Bí thư Đảng ủy các xã Nam Nung và Nâm N’Đir (2001 – 2010); Y Long Niê, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Nông đều khẳng định bà con bon Đắk P’rí có đưa đất vào liên kết trồng cao su.
Công ty có thiện chí?
Bản thân các hộ này cũng có đất đưa vào liên kết: Hộ Y Đen 6,49 ha; Y Krích 5,78 ha; và Y Long Niê 4,98 ha. Đồng chí Y Thịnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (2000-2004), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (2004 2012) cũng xác nhận việc 98 hộ dân bon Đắc P’rí có 196,2 ha rẫy tại TK 1289, vốn là bon cũ của bà con từ tháng 5/1975, được UBND xã Nam Nung đặt là thôn 9, sau này đưa vào liên kết trồng cao su, bà con cũng được Lâm trường Nam Nung chia diện tích theo ranh giới rẫy cũ.
Già làng Y Đen phản ánh vụ việc với báo chí tại TK 1289
Trao đổi về vụ việc này, ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND (hiện nay làm Bí thư Đảng ủy) xã Nâm N’Đir khẳng định: “Năm 2013, 98 hộ dân bon Đắc P’rí khiếu nại đòi 196,2 ha đất liên kết trồng cao su với Công ty Nam Nung, nhưng UBND huyện Krông Nô chỉ giải quyết công nhận 46,3 ha, nên bà con không chấp thuận. Việc chia sản phẩm mủ cao su, từ năm 2013, UBND xã đã yêu cầu Công ty thành lập Tổ Cộng tác viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, để theo dõi, giám sát, nhưng Công ty không thực hiện, nên xảy ra tình trạng bà con khiếu nại cho rằng bị Công ty ăn chặn hàng tỷ đồng!”.
Tương tự, 74 hộ dân các bon Ja Ra, R’cập, xã Nâm Nung phản ánh việc đầu năm 1997 đưa 220 ha đất trồng cây nông nghiệp vào liên kết trồng cao su tiểu điền (có Bản cam kết trồng mới cao su năm 1997), nhưng Lâm trường Nam Nung không ký hợp đồng giao khoán vườn cây, dẫn tới từ năm 1997 đến 2017 các hộ dân không được hưởng quyền lợi gì. Bức xúc vì quyền lợi có dấu hiệu bị xâm phạm, từ năm 2018 đến nay, bà con các buôn này đã tiến hành khai thác mủ của 220 ha cao su, mà không nộp sản lượng khoán cho Công ty, đồng thời yêu cầu Công ty trả lại đất.
Cần thanh tra toàn diện dự án
Luật sư Lê Xuân Anh Phú, Giám đốc Công ty luật Đại Nguyên (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), cho rằng: “Cần phải thanh tra toàn diện việc triển khai dự án, công tác quản lý đất đai của Công ty Nam Nung để xác định rõ có hay không việc 172 hộ dân đưa đất liên kết trồng cao su. Việc thanh tra phải tôn trọng lịch sử quản lý, sử dụng đất tại địa phương, ngoài các chứng cứ bằng văn bản, cần tiến hành thu thập ý kiến của nhân chứng đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của các hộ dân, như quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, nếu xác định được phần diện tích đất các hộ dân đưa vào liên kết, thì UBND tỉnh Đắc Nông phải hủy một phần các quyết định liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Nam Nung, và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định. Mặt khác, các hộ dân có thể khởi kiện vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, sau đó căn cứ Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự để yêu cầu Tòa án hủy các quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông liên quan đến việc giao đất của các hộ dân cho Công ty Nam Nung. Thứ hai, đối với việc tranh chấp hợp đồng liên kết trồng cao su, thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về vấn đề đầu tư, thu, nộp, ăn chia sản lượng”.
Trong trường hợp không xác định được nguồn gốc đất liên kết trồng cao su là đất rẫy cũ của 172 hộ dân, thì nên giải quyết theo Quyết định số: 198/2007/QĐ-TTg, ngày 31/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”. Tại khoản 5, Điều 3 của Quyết định nêu rõ: “Đất do hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang sinh sống và sử dụng từ trước đến nay, hiện thuộc quyền quản lý của các nông trường, lâm trường, thì các nông trường, lâm trường tiến hành bàn giao diện tích trên cho chính quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo quy định”.
Xã Nam Nung (nay gồm hai xã Nâm Nung và Nâm N’Đir) là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Đắk Nông trong 2 cuộc kháng chiến, tất cả hộ dân đều có công với cách mạng. Xã có 48 liệt sỹ, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, năm 1993 được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cùng với việc giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp trên, tỉnh Đắk Nông quan tâm hơn nữa đến chăm lo bảo đảm đời sống cho bà con; trong đó cần ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất, nhất là với hộ nghèo, người có công với cách mạng theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>