Tin tức

Công ty CP Cao su Lai Châu II: Sẵn sàng đón dòng “vàng trắng”

02/04/2018

Năm 2018, Công ty CP Cao su Lai Châu II bước vào mùa khai thác mủ cao su đầu tiên kể từ khi cây cao su được trồng (năm 2010). Để khai thác thành công 600 ha với sản lượng dự kiến 350 tấn mủ, Công ty đang chuẩn bị điều kiện sẵn sàng khai dòng “vàng trắng”.


Những ngày cuối tháng 3, cán bộ, công nhân viên lao động của Công ty và người dân xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) háo hức chờ đón dòng nhựa trắng từ cây cao su sau 8 năm nỗ lực chăm sóc. Thời điểm cuối năm 2017, Công ty đã mở cạo thí điểm 67,74 ha vườn cây đạt vanh thân vượt quy trình với sản lượng mủ đảm bảo tiêu chuẩn đề ra. Đây cũng là tiền đề để đơn vị đưa vào khai thác 600 ha cây cao su trong năm nay và đòi hỏi yêu cầu công tác quản lý, tổ chức sản xuất chặt chẽ và cao hơn.

Description: http://baolaichau.vn/sites/default/files/IMG_4116(1).jpg

Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cao su Lai Châu II hướng dẫn công nhân kỹ thuật khai thác mủ cao su

Ông Nguyễn Xuân Phú – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu II – cho biết: “Thành lập năm 2009, hiện, Công ty đang quản lý và chăm sóc 4.706,57 ha thuộc địa phận 4 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Cây cao su có giai đoạn khai thác mủ 20 năm, do vậy vấn đề quản lý quy trình kỹ thuật khai thác vô cùng quan trọng. Nếu quản lý tốt, có kỹ thuật khai thác hợp lý và đúng quy trình sẽ phát huy hết tiềm năng, chất lượng vườn đảm bảo. Nếu quản lý không tốt, vi phạm kỹ thuật trong khai thác chắc chắn khó đảm bảo chu kỳ kinh doanh. Do vậy, đơn vị đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị vườn cây, quản lý, đào tạo tay nghề, chuẩn bị dụng cụ… nhằm mang lại sản lượng và chất lượng vườn cây cao nhất”.

Chuẩn bị vườn cây, thực địa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đưa ra, Công ty chỉ đạo các phòng chuyên môn, nông trường cao su kiểm kê, đánh dấu sơn những cây có vanh thân đạt tiêu chuẩn đưa vào khai thác, những cây dự kiến khai thác cho đợt sau. Đồng thời, triển khai phát dọn thực bì giữa hai hàng, phát dọng bờ lô tạo thông thoáng vườn cây, dọn cành nhánh trên hàng để thuận tiện việc đi lại chăm sóc, thu hoạch. Do địa hình đồi núi dốc, Công ty triển khai mở đường zíc zắc, đường nội vùng trong lô, liên lô. Sau khi kiểm kê đánh dấu, lập bản đồ vị trí, sơ đồ hàng, số cây trên hàng, tiến hành tổng hợp phân chia phần cây cạo hợp lý. Do đặc thù vườn cây nằm ở nơi đồi dốc, khi chia phần cạo Công ty tổng hợp thành các tổ hợp bốc thăm để mỗi công nhân có các phần cây dễ khó như nhau tạo sự công bằng.

Công ty hiện có 444 lao động và 386 hộ nhận khoán chăm sóc; mức lương bình quân đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng. Khi bước vào khai thác mủ cao su đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân phải đảm bảo trình độ chuyên môn cũng như tay nghề vững. Trong khi đó, đặc thù lao động địa phương tại đơn vị có trình độ văn hóa hạn chế, tác phong làm việc tự do do còn bị ảnh hưởng bởi nhiều phong tục của địa phương, quen với việc làm nương. Do đó, Công ty tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, đội trưởng và kỹ thuật của đơn vị về phần mềm quản lý vườn cây chính xác, xây dựng phần cạo, khu cạo hợp lý. Năm 2017, Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tập huấn công tác quản lý kỹ thuật khai thác tổ, đội cho cán bộ; Công ty phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su mở 7 lớp đào tạo tay nghề cho 270 lao động. Qua đó, công nhân, người lao động làm quen với quy trình khai thác, thay đổi phong cách làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Công ty quan tâm xây dựng các công trình cơ bản phục vụ đời sống sinh hoạt và làm việc của cán bộ, công nhân viên lao động như: nhà công nhân, nhà khách, nhà trẻ, công trình vệ sinh, nhà ăn… Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ, vật tư khai thác như: quần áo, dao cạo mủ, kiềng, chén, máng… Xây dựng điểm tập kết mủ tại các tổ khai thác trước khi mủ được vận chuyển về xưởng chế biến. Công ty cũng thành lập tổ khai thác mủ cao su, giao nhiệm vụ cho cán bộ có trình độ, năng lực quản lý trực tiếp, thường xuyên kiểm tra vườn cây, nắm bắt trình độ tay nghề cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Thành lập tổ kiểm tra kỹ thuật từ Công ty đến Nông trường, hàng tháng tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ trong Nông trường và giữa các nông trường có khai thác.

Anh Nguyễn Hữu Phước – Trưởng Phòng Tổ chức (Công ty CP Cao su Lai Châu II) – chia sẻ: “Đơn vị tiến hành kiện toàn lực lượng bảo vệ Công ty phù hợp với quy mô, diện tích vườn cây. Thực hiện mô hình bảo vệ: công nhân tự quản, tổ, cụm bảo vệ… tham gia bảo vệ sản phẩm khai thác, tài sản vườn cây và gia súc phá hoại cây. Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương có cây cao su tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vườn cây, làm công nhân cho Công ty”.

Hiện nay, Công ty đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh cũng như các huyện có diện tích cao su để giải quyết vướng mắc, khó khăn. Trên cơ sở đó, đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất, phân chia sản phẩm giữa Công ty với hộ dân có đất góp trồng cao su. Cuối năm 2017, Công ty đã ký hợp đồng góp đất với 159 hộ dân tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (198,13 ha), 444 hộ tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (1.376,53 ha).

Nguồn lợi từ dòng “vàng trắng” chắc chắn nhân lên niềm tin của người dân về cuộc sống mới tốt đẹp hơn và tự nguyện góp đất chung sức cùng Công ty xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Phương Ly, nguồn: http://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-%C4%91%C3%B3n-d%C3%B2ng-%E2%80%9Cv%C3%A0ng-tr%E1%BA%AFng%E2%80%9D, ngày 29/3/2018 (TD trích dẫn)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>