Tin tức

Chủ động vận dụng linh hoạt các giải pháp phù hợp để tiêu thụ cao su

23/01/2017

 Những tín hiệu tích cực cuối năm 2016 là cơ sở để tin tưởng và hy vọng thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi và giá bán cao su khởi sắc hơn trong năm 2017.


 

Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe (ở giữa, hàng đầu) ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập Sàn giao dịch cao su với Sở giao dịch hàng hóa VN (VNX) và Công ty Straits (Singapore)
Xuất khẩu cao su tăng cả về lượng và kim ngạch
Cao su Việt Nam hiện có mặt tại 87 thị trường, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường: Trung Quốc (50%), Malaysia (18%), Ấn Độ (17%), Hoa Kỳ (4%), Đức (4%), Hàn Quốc (4%), Đài Loan (3%)… Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.
Riêng với các đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), trong năm qua đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang Ấn Độ, Nhật Bản. Cơ cấu chủng loại sản phẩm cũng cân bằng, phù hợp với thị trường tiêu thụ so với các năm trước: SVR 3L (26%), SVR 10 (19%), cao su hỗn hợp (18%), RSS 3 (6%), Latex (6%), SVR CV60 (5%), SVR CV50 (2%), SVR 20 (1%), các chủng loại khác 17%.
Năm 2016,Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tham gia hỗ trợ Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các thành viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước áp dụng các chính sách thuế và ưu đãi đầu tư để ngành cao su có điều kiện thông thoáng về sản xuất và XK. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ cao su
Trước bối cảnh thị trường tiêu thụ cao su năm 2017 còn diễn biến khó lường, để mở rộng thị trường tiêu thụ và hỗ trợ các thành viên tìm kiếm khách hàng, VRG sẽ tập trung củng cố hệ thống quản lý chất lượng trong toàn Tập đoàn, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. VRG tiếp tục phát triển thị trường nội địa từ 30% đến 50%.
Trong công tác điều hành, VRG sẽ ban hành giá sàn kịp thời với diễn biến của thị trường. Đồng thời, nâng cao công tác cập nhật thông tin, nghiên cứu thị trường để làm cơ sở cho các hoạt động ban hành giá sàn, có chính sách thu mua cao su tiểu điền linh hoạt để tạo thuận lợi cho các thành viên.
VRG thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở phân tích nhu cầu của khách hàng và lợi thế sản xuất của đơn vị cũng như hiệu quả kinh tế để vừa duy trì thị trường XK vừa hướng đến phát triển thị trường nội địa. Tăng cường XK chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác.
Cùng với đó, tiếp tục triệt để giảm giá thành và tiết kiệm chi phí nhưng luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại của đơn vị. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu của đơn vị kết hợp với xây dựng thương hiệu toàn ngành cao su Việt Nam. Gắn nhãn mác riêng cho sản phẩm của đơn vị và sản phẩm gia công.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần cân nhắc, thận trọng khi đàm phán ký hợp đồng bán trước theo giá chuyến với thời gian giao hàng khá dài và cho cao su chưa sản xuất vì khi giá biến động mạnh có thể dẫn đến thiệt hại cho một trong hai bên.
Một yếu tố cần thiết khác là tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua VRA và VRG để có thông tin kịp thời về giá cả, thị trường; hạn chế hiện tượng phá giá, tranh mua tranh bán làm thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và uy tín của ngành cao su Việt Nam.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>