Tin tức >> Chính sách có liên quan

Về một số hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam và kiến nghị

14/07/2022

Bộ Ngoại giao Việt Nam ban hành văn bản số 2223/BC-BNG-THKT ngày 03/6/2022 về một số hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam và kiến nghị. 


Theo đó, hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị lừa đảo hoặc vướng vào các tranh chấp thương mại phức tạp có chiều hướng gia tăng gần đây. Hiện nay, tình trạng này đang diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, có uy tín, và mức độ rủi ro thấp như Hoa Kỳ, Hà Lan, Na Uy,… thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi như trước đây.
Một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến:
1.    Lừa đảo trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký;
2.    Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch;
3.    Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán;
4.    Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu.
Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có những đặc điểm sau đây:
-       Quá trình đàm phán diễn ra nhanh chóng, đối tác đồng ý giá bán nhanh chóng nhưng ép doanh nghiệp ký các hợp đồng mẫu không thể sửa đổi;
-    Chỉ muốn liên lạc qua Internet, dùng địa chỉ email miễn phí thay vì địa chỉ email chính thức của công ty; chỉ dùng các ứng dụng tin nhắn để trao đổi, tránh gặp mặt trực tiếp hoặc họp trực tuyến;
-       Cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đứng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn…
-       Đề nghị thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, bắt đặt cọc để làm các thủ tục giấy tờ ở nước ngoài, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ để xin giấy phép nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý một số vấn đề sau:
-       Tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín như các hoạt động giao thương trực tiếp ở các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp, qua giới thiệu của các Bộ, ngành, các Cơ quan đại diện (CQĐD) và Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài, các CQĐD của nước ngoài ở Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp… Nếu tìm đối tác qua mạng Internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước;
-       Kiểm tra xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác bằng cách đề nghị cung cấp giấy tờ cơ bản để tự kiểm chứng mức độ uy tín, tình hình tài chính và khả năng tín dụng của đối tác; tối ưu nhất là thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại sở tại hoặc đề nghị các CQĐD, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xác minh trước khi đam phán, ký kết các hợp đồng lớn. Trường hợp vẫn giao dịch qua môi giới doanh nghiệp không nên phụ thuộc hoàn toàn vào công ty môi giới mà cần liên hệ trực tiếp với người mua;
-       Nghiên cứu kỹ hợp đồng và triển khai giao dịch trên cơ sở đảm bảo: (i) Cần nắm bắt các nguyên tác, thông lệ thương mại quốc tế, vai trò, trách nhiệm của các bên để thống nhất hợp đồng, phương thức, điều kiện thanh toán phù hợp với hai bên; (ii) Áp dụng các điều khoản thanh toán phổ biến và an toàn như tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận tại các ngân hàng quốc tế uy tín để được ngân hàng bảo lãnh, thận trọng khi sử dụng các phương thức thanh toán có nhiều rủi ro và hạn chế cho phép trả chậm; (iii) Hợp đồng nên có điều khoản quy định rõ ràng cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp như trọng tài quốc tế hoặc tòa án Việt Nam…, và các thời điểm chuyển chứng từ gốc, quyền sở hữu lô hàng, hiệu lực hợp đồng; (iv) Không thay đổi điều khoản hợp đồng sau khi đã ký kết và chuyển hàng; (v) Chủ động thuê tàu chuyển hàng và xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF để có quyền kiểm soát tốt hơn chứng từ gốc;
-       Tăng cường thông tin với các CQĐD, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các CQĐD và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam;
-       Tăng cường tìm kiếm tư vấn và trợ giúp pháp lý khi xây dựng, ký kết các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng có giá trị lớn, có điều khoản thanh toán có rủi ro cao.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác đối ngoại, ngoại thương, pháp lý và phát triển thị trường của doanh nghiệp.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>