Tin tức

Cao su Tây Ninh: Nhiều giải pháp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm

25/05/2016

Ứng phó tình hình khó khăn, đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi, Công ty CP Cao su Tây Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiết giảm suất đầu tư. Có những giải pháp giúp Công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.


Tiết giảm thêm 30% so năm 2015

Chia sẻ kinh nghiệm tiết giảm chi phí suất đầu tư nông nghiệp trong công tác tái canh trồng mới, ông Hồ Thiện Nhơn – Giám đốc Nông trường (NT) Cầu Khởi – cho biết, năm 2015, đơn vị tiết giảm được 31% chi phí suất đầu tư bằng cách áp dụng cơ giới hóa, trồng xen canh tăng hiệu quả sử dụng đất đồng thời giảm chi phí đầu tư, kết hợp khoanh bồn tủ gốc và cày tấp gốc giữ ẩm…
“Để giảm chi phí chăm sóc, vườn cây sớm ổn định và đồng đều ngay từ năm trồng đầu tiên, chúng tôi chuẩn bị nguồn cây giống bầu hạt tầng lá chất lượng, sạch bệnh, cơ cấu giống phù hợp thổ nhưỡng và thời tiết của đơn vị. Thực hiện đào hố, lấp hố, vận chuyển bầu trồng mới sử dụng cơ giới hóa, giảm chi phí công lao động. Ngay sau khi hoàn chỉnh công tác trồng mới, cho trồng xen cây họ đậu với mục đích sử dụng nguồn dây đậu thu từ trồng xen để tủ gốc chống hạn cây cao su, tận dụng độ ẩm do tưới cây trồng xen cho cao su sinh trưởng, giảm chi phí 1 lần cày chăm sóc do các hộ trồng xen đã cày.
Ngoài ra, cây cao su còn được hưởng lợi nhờ lượng phân bón cho cây trồng xen không sử dụng hết, tạo độ phì cho đất. Trước đây, thực hiện suất đầu tư cho cả chu kỳ trồng và chăm sóc kiến thiết cơ bản là 107 triệu đồng/ha. Trong năm 2015 giảm chi phí đầu tư xuống còn dưới 70 triệu đồng/ha, tức giảm khoảng 31% chi phí so năm 2014 nhưng chất lượng vườn cây vẫn đảm bảo yêu cầu quy trình kỹ thuật”, ông Nhơn chia sẻ.
Năm 2016, NT Cầu Khởi tiếp tục tìm những giải pháp tối ưu hơn để thực hiện giảm suất đầu tư thêm từ 20 – 30% so năm 2015. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục tăng hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lợi khác bằng cách cho người dân trồng xen cây ngắn ngày. Ngoài ra, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và kết hợp sử dụng công lao động hợp lý để giải quyết được nhiều công việc khác nhau.
Sản xuất mủ tránh giờ cao điểm: Tiết kiệm hơn 900 triệu đồng
Ở lĩnh vực chế biến, giải pháp tiết kiệm vật tư, hóa chất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thường xuyên được ban lãnh đạo Công ty quan tâm thực hiện. Ông Lê Khắc Minh – Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Chế biến – cho hay, trong từng công đoạn sản xuất, đơn vị linh hoạt nhiều giải pháp cụ thể mang tính khả thi cao, nên góp phần tiết kiệm chi phí rất hiệu quả. Đối với việc sản xuất mủ và vận hành hệ thống xử lý nước thải tránh giờ cao điểm, đơn vị tiết kiệm khoảng 915 triệu đồng trong năm 2015.
“Tính bài toán đơn giản, giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ và 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 là 2.735 đồng/kWh điện, còn giờ bình thường 1.578 đồng/kWh, chênh lệch 1.157 đồng/kWh. Mủ tạp 1 giờ ra 4 thùng với năng suất 350 kg/thùng thì với 200 kWh/tấn, suy ra 1 ngày tiết kiệm được 647.920 đồng. Vậy cả năm khoảng 195 triệu đồng. Cùng với ngưng vận hành hệ thống xử lý nước thải giờ cao điểm, qua thống kê năm 2015 tiết kiệm được 26.314 kWh x 2.735 đồng/kWh, tương đương tiết kiệm thêm khoảng 720 triệu đồng”, ông Minh phân tích.
Cùng với đó, Xí nghiệp sử dụng nước sản xuất mủ tạp tiết kiệm hơn. Trước đây, mỗi ngày đều thay nước ở các hồ rửa mủ tạp, nay 3 ngày thay một lần, tiết kiệm được 60 m³/ngày. Việc làm này góp phần tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đối với xe vận chuyển mủ, khi cần thiết hoặc chuẩn bị kiểm tra kỹ thuật định kỳ mới kiểm tra sửa chữa giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.
“Việc áp dụng tiết kiệm vật tư hóa chất và nâng cao chất lượng sản phẩm có những nhân tố phụ sẽ quyết định tới thành công của giải pháp. Đó là, cải tiến kỹ thuật rất cần sự đóng góp của mỗi công nhân nên cần phải phát triển phong trào bằng cách khen thưởng, động viên kịp thời để kích lệ tinh thần, nhất là tập trung vào các cải tiến hay ý tưởng của công nhân trực tiếp sản xuất”, ông Minh đúc kết.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>