Tin tức

Cao su nguyên liệu giảm, lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp không tăng

17/05/2016

 Giá cao su nguyên liệu giảm nhiều, giá thành sản xuất giảm mạnh nhưng do đâu lợi nhuận của các công ty công nghiệp cao su không cao như kỳ vọng?


 

Cơ cấu nguyên liệu đầu vào năm 2015 của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam

Giá cao su nguyên liệu giảm là nỗi lo của nhà nông, các doanh nghiệp (DN) cao su thiên nhiên, nhưng với DN chế biến các sản phẩm từ cao su lại là cơ hội để tăng doanh thu, lợi nhuận do giá nguyên liệu đầu vào giảm. Trong các năm gần đây cũng như năm 2015, các DN sản xuất săm lốp hưởng lợi nhiều từ giá cao su nguyên liệu giảm.
Trong cơ cấu giá thành sản xuất hiện nay, cao su nguyên liệu chiếm 57% chi phí nguyên vật liệu, trong đó 34% là cao su thiên nhiên và 23% là cao su tổng hợp. Theo các DN sản xuất săm lốp, dù cao su thiên nhiên là thành phần cốt lõi trong quá trình chế tạo săm lốp, nhưng trên thực tế, loại nguyên liệu này chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí nguyên liệu đầu vào. Phần còn lại là các nguyên liệu khác như cao su tổng hợp, vải mành, than đen, tanh – bố thép, van, hóa chất…
Những biến động giá của các nguyên liệu, đặc biệt là cao su thiên nhiên, dầu mỏ (tạo ra cao su tổng hợp) đã tác động tới giá thành sản xuất săm lốp. Trong năm 2015, giá cao su và giá dầu đồng loạt lao dốc và yếu tố này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất săm lốp tiết giảm chi phí đầu vào đáng kể. Theo báo cáo của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), chi phí nguyên liệu của Công ty trong năm 2015 là 1.788 tỷ đồng, giảm 55 tỷ đồng so với năm trước đó.
Trong đó, 2 thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí nguyên liệu là cao su thiên nhiên (chiếm 35%, tương đương 608 tỷ đồng) và cao su tổng hợp (chiếm 14%, tương đương 232 tỷ đồng). Mặc dù chi phí cao su thiên nhiên và tổng hợp đều giảm khá mạnh, tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, cả 2 nguyên liệu này chỉ chiếm chưa tới 50% chi phí sản xuất săm lốp.
Bởi vậy, ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm tác động tới kết quả kinh doanh của các DN săm lốp trong năm qua là không quá lớn. Mặt khác, để cạnh tranh và giữ thị phần, các DN phải giảm giá bán sản phẩm. Cụ thể với CSM, năm 2015 đạt 3.636 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 371 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2014. Tương tự, với Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC), doanh thu tiêu thụ trong năm 2015 của SRC đạt 960,3 tỷ đồng, giảm 3,3% so với 2014 và chỉ hoàn thành 94% kế hoạch.
Theo CSM, lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng của chính sách giảm giá sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh và giữ vững thị phần. Yếu tố khác là Công ty đã trích khấu hao ở mức cao đối với dòng sản phẩm lốp radial toàn thép khi hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong khi đó, SRC cho biết, công tác tiêu thụ sản phẩm năm 2015 của SRC gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là về giá và chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của khách hàng chuyển từ lốp bias (mành chéo) sang radial (mành hướng tâm, toàn thép), một số sản phẩm công ty tiêu thụ chậm, lượng tiêu thụ sụt giảm. Đánh giá về triển vọng năm 2016, ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, ngành sản xuất săm lốp đang bị cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan. Hơn nữa, về lâu dài, khi giá cao su thiên nhiên tăng thì biên lợi nhuận của các DN ngành này sẽ giảm.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>