Tin tức

Bố Trạch: Giải bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất cao su

06/08/2018

 Vùng gò đồi huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có tiềm năng và lợi thế để phát triển cây cao su, thời điểm cao nhất diện tích lên tới 11.100/18.220 ha diện tích cao su toàn tỉnh. 


 Tuy nhiên, sau hai cơn bão năm 2013 và năm 2017, diện tích cao su của huyện giảm mạnh, hiện chỉ còn 7.470 ha, giảm 10,2% so với vùng kỳ; trong đó diện tích cho thu hoạch trên 5.220 ha.

Cùng với chủ trương giữ ổn định diện tích cao su hiện có, UBND huyện Bố Trạch còn khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi đối với diện tích cao su bị đổ gãy trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thị trường, khả năng chịu gió bão và quy hoạch sản xuất của địa phương.
Hiện tại, phần lớn diện tích cao su bị gãy đổ được bà con chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác, như: hồ tiêu, cam, bơ, cây dược liệu..., bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải bài toán chuyển đổi cây trồng bền vững trên đất cao su ở huyện Bố Trạch.
Những mô hình chuyển đổi hiệu quả
Sau bão năm 2013, 12 ha cao su của ông Bế Văn Mai bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Ông Mai quy hoạch và chuyển đổi diện tích này sang trồng cam.
Trồng cam là hướng chuyển đổi hiệu quả trên đất cao su của ông Bế Văn Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung
Năm 2014, ông Mai tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời tập trung công tác chuẩn bị đất vườn và đặt mua cây giống. Đến giữa năm 2015, ông chính thức trồng những cây cam V2 và cam lòng vàng đầu tiên.
Theo ông Mai, với vùng luôn bị ảnh hưởng bão, chỉ có cây tán thấp mới chống chọi lại được với gió. Đến nay, ông Mai đã trồng được 7 ha cam, chủ yếu các giống cam lòng vàng, V2, cam canh, cam chanh, cam mật; trong đó, hơn 3 ha trồng cam V2, cam lòng vàng đã bắt đầu cho trái bói năm 2017.
Cũng không trồng lại cao su trên diện tích bị gãy đổ, ông Nguyễn Văn Diệm lại phát triển trang trại theo hướng tổng hợp, đa dạng cây, con. Ông Diệm quy hoạch 4 ha trồng cây hồ tiêu, diện tích còn lại ông trồng sắn, dưa, ớt để nhanh có nguồn thu. Năm 2015, hồ tiêu của ông cho bói lứa đầu tiên, ông thu hoạch được hơn 2 tấn, bán với giá gần 400 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn đầu tư 3 ha mặt nước để nuôi cá, xây chuồng trại nuôi hươu lấy nhung và hàng chục đàn ong lấy mật. Hiện tại, ông đang tiếp tục trồng thử nghiệm cây bơ với diện tích gần 1 ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bố Trạch còn xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi trên diện tích cao su như mô hình trồng cây ăn quả của anh Thái Chí Thành ở thôn 2 Võ Thuận, xã Tây Trạch, với hơn 1 ha trồng các loại cam Vinh, cam đường, hồng xiêm, mãng cầu, táo xanh và gần 1.000 gốc măng tây để lấy ngắn nuôi dài; hiện vườn cây ăn quả của anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, một số cây cam Vinh đã cho quả bói, dự kiến sau 2 năm sẽ cho thu hoạch đại trà.
Còn anh Dương Văn Hợi ở thôn Cà, xã Hòa Trạch bị gãy đổ 2 ha cao su vào năm 2013 thì chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, như: ngô, sắn, dưa hấu…, dù năng suất tương đối cao nhưng giá thành và đầu ra không ổn định. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, anh chuyển sang trồng thí điểm 2 ha dứa, hiện cây dứa phát triển tốt, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch và được Binh đoàn 15 bao tiêu 100% sản phẩm.
Hay mô hình trồng xen cây dược liệu cà gai leo dưới tán cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản của anh Phan Văn Tiến ở xã Sơn Lộc với diện tích 2,6 ha do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ, ngoài ra anh còn trồng thâm canh khoảng 1,5 ha; hiện cây cà gai leo đang cho thu hoạch với sản lượng và giá thành đạt khá, sản phẩm được Công ty Nông nghiệp xanh Quảng Bình liên kết bao tiêu đầu ra.
“Vùng gò đồi của huyện Bố Trạch bây giờ đã phát triển đa cây, đa con chứ không còn “độc canh” cây cao su như trước nữa”, đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ. Có thể nói, hiệu quả bước đầu của những mô hình chuyển đổi này đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc giải bài toán "độc canh" cây cao su trên vùng gò đồi Bố Trạch.
Cần giải pháp chuyển đổi bền vững
Ngay sau cơn bão năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển cây trồng trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình”, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích cao su bị gãy đổ.
Trên cơ sở tình hình thực tế và ý kiến trao đổi của các chuyên gia, tỉnh đã thống nhất định hướng tiếp tục phát triển cây cao su trên vùng gò đồi, nhưng cần tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, quy hoạch diện tích phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; tuyệt đối không phát triển ồ ạt một đối tượng cây trồng mà cần đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi để nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phối hợp với các viện nghiên cứu cây dược liệu, viện cây ăn quả để đưa vào quy hoạch những loại cây phù hợp với vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ, sau cơn bão năm 2017, huyện có chủ trương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cao su mà cần giữ ổn định diện tích cao su hiện có, đồng thời khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng khác phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bà con có thể tham khảo một số mô hình phù hợp với khả năng chịu gió bão đã thực hiện thành công trên địa bàn huyện, như: mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo, kim tiền thảo, ba kích, đinh lăng, nghệ, gừng...; mô hình trồng cây ăn quả ổi, cam, bưởi, thanh long ruột đỏ, bơ... để có hướng chuyển đổi phù hợp.
Hiện tại, huyện đang triển khai công tác khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão số 10 năm 2017 và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi, diện tích cao su kém hiệu quả với diện tích chuyển đổi 1.000 ha, kinh phí hỗ trợ 800 triệu đồng.
Mô hình trồng dứa của anh Dương Văn Hợi, xã Hoà Trạch đang phát triển tốt trên đất cao su chuyển đổi
Chủ trương và lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất cao su đã có, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để chuyển đổi một cách bền vững, tránh tình trạng bà con sản xuất tràn lan, ồ ạt theo phong trào.
Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cần có quy hoạch cụ thể về các đối tượng cây trồng và diện tích trồng trên cơ sở nhu cầu thị trường chứ không thể chuyển đổi ồ ạt, tự phát.
Trước hết, địa phương cần xây dựng các mô hình chuyển đổi trên đất cao su bị đổ gãy, có đánh giá hiệu quả về kinh tế cũng như tính thích ứng để người dân tham quan, học tập; đồng thời cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để hợp đồng liên kết sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thành các vùng sản xuất tập trung.
Hiện tại, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai công tác chuyển đổi cây trồng trên đất cao su theo hướng bền vững gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng trong tương lai không xa, cùng với việc giữ ổn định diện tích cao su hiện có, nông dân vùng gò đồi huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục phát triển các loại cây trồng khác một cách bền vững nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>