Tin tức

Băn khoăn trồng xen cao su lấy gỗ – mủ trên địa bàn Tây Nguyên

07/08/2017

 Trồng xen canh cây cao su lấy gỗ – mủ trong vườn cây tái canh trồng mới (TCTM) là một mô hình đang được các công ty thử nghiệm. Có ý kiến cho rằng cần đánh giá hiệu quả kinh tế trước khi trồng đại trà.


 

Tái canh cao su trên địa bàn Tây Nguyên
Băn khoăn bài toán kinh tế
Gần đây, mô hình trồng cao su xen cao su được các công ty quan tâm và làm thử nghiệm.  Mô  hình  này  vẫn  đảm  bảo được mật độ cây cao su chính (tức là cao su lấy mủ – gỗ) 500 cây/ha, đồng thời trồng xen cao su (tức cây lấy gỗ – mủ) lấy gỗ với mật độ bằng ½ cây cao su chính. Theo yêu cầu và khuyến cáo của những nhà chuyên môn thì mô hình này đòi hỏi đất phải là loại tốt.
Ông Trần Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) – cho rằng: “Đây là một ý tưởng hay vì cây cao su lấy gỗ – mủ có thể góp phần giải quyết được vấn đề tài chính cho doanh nghiệp nếu trường hợp giá mủ cao su xuống thấp. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên mới chỉ trồng thực nghiệm với diện tích nhỏ và vẫn chưa thể triển khai đại trà vì còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tính hiệu quả của mô hình”.
Còn ông Mai Ngọc Bình – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê – phân tích: “Theo tôi đây là mô hình không khả thi lắm. Bởi mục đích của việc trồng xen là tăng hiệu quả sử dụng đất và tiết giảm suất đầu tư. Nếu là các hộ gia đình thì họ sẽ chọn lựa cây trồng khác cho thu hoạch nhanh hơn, hiệu quả hơn như cà phê, tiêu, cây ăn quả… vì trồng cao su lấy gỗ phải mất 20 năm mới thu hoạch, trong khi trồng cà phê chỉ 2,5 năm là cho thu hoạch, hoặc tiêu thì 3 năm, cây ăn quả cũng 4 năm.
Như vậy, một chu kỳ cây cao su lấy gỗ người nông dân sẽ thu hoạch được ít nhất cũng được 10 năm cà phê, mùa tiêu… Với các loại giống mới cho năng suất tốt như hiện nay thì mỗi cây cà phê, cây tiêu cũng được 5 kg/cây, như vậy mỗi ha cà phê có thể cho năng suất khoảng 2,5 tấn/ha, nếu giá bán bình quân 40 triệu đồng/tấn thì trong 10 năm người ta có thể thu được 1 tỷ đồng/ha, nếu cây tiêu có thể doanh thu lớn hơn nhiều, trong khi trồng cao su lấy gỗ cũng chỉ được trăm triệu/ha. Với cách tính này, bà con nông dân sẽ không chọn mô hình trồng xen cao su lấy gỗ”.
Mặc dù vậy, ông Bình cũng cho hay: “Từ nay đến năm 2023, Công ty đều có diện tích tái canh, bình quân mỗi năm trên 500 ha, riêng năm 2018 sẽ tái canh 850 ha. Thời gian tới, nếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có chủ trương thì Công ty sẽ triển khai. Việc trồng cao su lấy gỗ – mủ cần nghiên cứu kỹ về giống, bởi ở Tây Nguyên không thể trồng một loại giống cho tất cả diện tích, hơn nữa đòi hỏi đất phải tốt là một tiêu chuẩn quá khó đối với Tây Nguyên”.
Đánh giá hiệu quả trước khi trồng đại trà
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đang trồng thực nghiệm khoảng 60 ha ở 2 Nông trường là Ia Pếch và Hòa Phú. Phó phòng Kỹ thuật nông nghiệp Nguyễn Bá Duy cho biết: “Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam khuyến cáo chúng tôi là tiến hành trồng xen cao su trong cao su ở những vùng đất tốt và loại giống hiện nay chúng tôi đang tiến hành thực nghiệm là RRIV 2009 và RRIV 124. Mặc dù vậy, theo tôi đến thời điểm này thì đây là mô hình an toàn hơn cả những mô hình trồng xen khác”.
Trong khi đó, ông Trần Minh chia sẻ: “Theo tôi biết ở Công ty Cao su Mang Yang có trồng thực nghiệm 10 cây theo mô hình này vào năm 2010, đến nay đã được 7 năm. Gần đây, chúng tôi có đến đo thử vòng vanh thì 10 cây này đã đạt 52 cm, nếu xét trên vùng đất của Công ty Mang Yang thì vòng vanh này đã vượt chỉ tiêu và tiết kiệm được 1 năm KTCB. Theo tôi, trên địa bàn Tây Nguyên có thể tìm ra được nhiều loại giống phù hợp để trồng theo mô hình này, nhưng quỹ đất để phù hợp giống như ở miền Đông Nam Bộ là điều rất khó”. Còn ông Mai Ngọc Bình cũng cho biết thêm: “Việc trồng xen cao su trong cao su VRG cần trồng thực nghiệm ở nhiều nơi, sau khi đưa vào khai thác vài năm có đánh giá sơ bộ về hiệu quả của việc cho mủ, cho gỗ từ đó mới có thể cho tiến hành trồng xen đại trà”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>