Tin tức

Bài toán gỗ nguyên liệu cho mục tiêu 20 tỷ USD

10/06/2019

Để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ 1820 tỷ USD vào năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ, ngành lâm nghiệp nói chung, chế biến gỗ nói riêng, có rất nhiều việc phải làm trong những năm tới. 


Trong đó, việc phát triển nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước là một nội dung quan trọng cần phải đẩy mạnh ngay từ bây giờ.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), để đạt được mục tiêu 20 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào năm 2025, thì quy mô ngành gỗ Việt Nam phải tăng hơn gấp đôi so với hiện nay, đòi hỏi nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước phải tăng tương ứng, tức phải đạt khoảng 5055 triệu m3 gỗ quy tròn vào năm 2025.
Năm 2016, theo số liệu thống kê rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có tổng diện tích rừng là 14,3 triệu ha, gồm 10,1 triệu ha rừng tự nhiên và 4,2 triệu ha rừng trồng.
Gỗ rừng trồng. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Với trung bình thời gian khai thác gỗ từ cây trồng là 7 năm, thì hàng năm, khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đạt 26,9 triệu m3 gỗ quy tròn, mới đáp ứng được 53,8% so với nhu cầu chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị 20 tỷ USD. Do đó, ngành nông nghiệp cần phải đưa vào quy hoạch phát triển thêm khoảng 2 triệu ha rừng trồng trong những năm tới.
Trong 4,2 triệu ha rừng trồng, có khoảng 1 triệu ha cây cao su, hơn 2 triệu ha là cây keo tràm, còn lại là các loài khác. 2 loại gỗ chủ yếu cho ngành chế biến gỗ là cao su và keo tràm. Trong khi cao su trồng tập trung ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thì keo tràm trồng trên cả nước.
Chất lượng gỗ khai thác thực tế chưa cao và không đồng đều, bởi cây phân cành sớm, lõi đen, giác đầu, khai thác ngắn ngày nên có đường kính lớn thấp, do đó giá trị thấp so với các quốc gia trong khu vực cũng trồng nhiều cao su và keo tràm như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Sở dĩ chất lượng gỗ rừng trồng của Việt Nam, nhất là gỗ keo tràm, có chất lượng không cao, là vì cây keo tràm chủ yếu được trồng theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc nên khối lượng rất dồi dào nhưng lại không đồng nhất, chủ yếu là chất lượng thấp, tỷ lệ gỗ tràm bị hỏng trong quá trình chế biến là khá cao.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế. Như năm 2017, tổng sản lượng gỗ là 25 triệu m3 thì dăm mảnh xuất khẩu chiếm 11 triệu m3, gỗ bóc và các sản phẩm khác là 2,6 triệu m3; các loại ván công nghiệp là 1,7 triệu m3. Còn lại chỉ có hơn 2 triệu m3 cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu nội, ngoại thất. Do đó, đã làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho việc sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.
Một điều đáng lưu tâm là theo chu kỳ khai thác của cây cao su, trong giai đoạn 2020 – 2025, sản lượng gỗ khai thác từ các vườn cao su sẽ giảm nhiều, nên sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước.
Vì thế, ngay từ bây giờ, ngành lâm nghiệp sẽ phải tính tới nguồn gỗ nguyên liệu thay thế cho lượng gỗ cao su khai thác bị sụt giảm trong mấy năm tới.
Chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Những vấn đề nói trên đang đặt ra vấn đề về nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam, để nâng cao giá trị khai thác gỗ rừng trồng.
Ông Hiệp cho rằng, các viện, trung tâm nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp, với sự hỗ trợ chính sách và đầu tư của nhà nước, cần phối hợp với các hiệp hội ngành gỗ để nghiên cứu, phát triển các giống cây lấy gỗ phù hợp, nhằm mang lại giá trị cao và bền vững cho lâm nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, rừng trồng của Việt Nam, bên cạnh việc giao cho các cơ quan, tổ chức, còn giao cho các cá nhân, hộ gia đình quản lý và trồng rừng với diện tích khá lớn nhưng lại phân tán và quy mô nhỏ, thường khai thác gỗ ngắn ngày, qua đó làm giảm giá trị gỗ rừng trồng, cả về mặt chất lượng chế biến sản phẩm gỗ và giá trị kinh tế.
Vì thế, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ phát triển rừng bền vững, chính sách liên kết giữa chủ rừng và ngành chế biến gỗ. Đồng thời, các hiệp hội ngành gỗ, các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động xây dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ và kết nối chặt chẽ với người trồng rừng để khai thác rừng trồng dài ngày và hiệu quả.

Theo Nông nghiệp Việt Nam, nguồn: http://ndh.vn/bai-toan-go-nguyen-lieu-cho-muc-tieu-20-ty-usd-20190605092156193p150c171.news, ngày 06/6/2019, (VQ trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>