Tin tức

10 sự kiện nổi bật ngành cao su VN năm 2016

23/01/2017

 1. Nỗ lực khắc phục khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) khai thác vượt khoảng 7.000 tấn mủ, hoàn thành kế hoạch trước 6 ngày.


 

Năm 2016, ngành cao su tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Trong ảnh: TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần Thủ tướng đến thăm và làm việc với ngành cao su
Ngành nông nghiệp nói chung, ngành cao su nói riêng, trải qua năm 2016 với rất nhiều khó khăn bất lợi do thiên tai gây nên. Đầu năm nắng hạn khốc liệt kéo dài nên đa số các công ty cao su (CTCS) đều ra quân khai thác muộn so với các năm trước. Cuối năm, mưa lớn liên tục trên diện rộng, ảnh hưởng đến công việc khai thác. Thêm vào đó, dịch bệnh trên vườn cây diễn biến khó lường và phức tạp, xuất hiện các loại bệnh mới… Bằng các biện pháp chỉ đạo quyết liệt và quản lý chặt chẽ, đến ngày 31/12/2016, VRG khai thác sản lượng ước đạt 252.000 tấn, vượt khoảng 7.000 tấn so kế hoạch, về đích trước 6 ngày. Ngoài ra, VRG còn thu mua trên 68.000 tấn mủ cao su tiểu điền, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cao su tiểu điền.
2. VRG tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành cao su
Nhân kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2016), VRG phối hợp cùng Công đoàn Cao su VN và các đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động mang ý nghĩa thiết thực: Lễ dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ; trao giải thưởng Cao su VN lần thứ II; Tạp chí Cao su VN tổ chức Chương trình đối thoại truyền hình về truyền thống ngành cao su và thực hiện Số báo Đặc biệt chào mừng ngày 28/10; trao giải cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng lần thứ IV”; Đoàn Thanh niên VRG tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo và khánh thành công trình thanh niên tại Bình Phước; Chung kết Hội thao CNLĐ Khu vực 6; khánh thành phòng truyền thống ngành cao su; Lễ tuyên dương con CNVC-LĐ đạt thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2016…
3. Hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ ngành cao su năm 2016 với nhiều cái nhất
Lãnh đạo VRG vàCông đoànCao su VN cắt băng khai mạc Hội thi “Bàn tay vàng khai thác mủ lần thứ X – 2016, tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Tùng Châu
Hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ ngành cao su VN lần thứ X năm 2016 tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (từ 0608/12/2016) quy tụ nhiều cái nhất như: Thí sinh đạt 100 điểm tuyệt đối nhiều nhất từ trước đến nay (23 thí sinh); Tiền thưởng cao nhất từ trước đến nay (tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ 240 triệu đồng); lần đầu tiên Ban Tổ chức (BTC) trao danh hiệu Kiện tướng và 23 Bàn tay vàng xuất sắc cho 56 thí sinh; lần đầu tiên Tạp chí Cao su Việt Nam tiến hành ghi hình Hội thi bằng thiết bị flycam (quay từ trên cao) và tường thuật trực tuyến Hội thi… Ngoài ra, BTC cũng quyết định đổi tên gọi Hội thi, đồng thời lồng ghép hài hòa yếu tố hội và lễ.
4. VRG mở cạo vườn cây ở Lai Châu, đưa thêm một số diện tích cao su tại Campuchia và Lào vào khai thác
Trong năm 2016, Tập đoàn đã tiến hành mở cạo cao su tại Lai Châu, Sơn La, Điện Biên sau 8 năm triển khai đầu tư, đánh dấu bước ngoặt mới trong chương trình phát triển cao su tại miền núi phía Bắc. Đồng thời, Tập đoàn cũng đưa thêm một số diện tích cao su ở Campuchia và ở Lào vào khai thác.
5. Công đoàn Cao su VN ghi đậm dấu ấn với nhiều hoạt động ý nghĩa
Công đoàn Cao su VN đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, như chăm lo tốt đời sống NLĐ nhân Tết Nguyên đán; tổ chức tốt chương trình Xuân ấm áp; tổ chức Hội thi chung kết “Chủ tịch Công đoàn giỏi”; tổ chức tháng công nhân 2016 với nhiều hoạt động chăm lo đời sống CNLĐ; tổ chức Trại hè thiếu nhi; tuyên dương CNVC – LĐ dân tộc thiểu số lần thứ I; tuyên dương CNVC-LĐ công tác tại Campuchia, Lào…
Đặc biệt, VRG phối hợp cùng Công đoàn Cao su VN tuyên dương 302 CNVC-LĐ đồng bào dân tộc tiêu biểu xuất sắc lần thứ I tại 2 khu vực (Tây Nguyên và Tây Bắc). Cũng trong năm 2016, VRG và Công đoàn Cao su VN tuyên dương CNVC-LĐ công tác tại Campuchia, Lào. Đây là việc làm ý nghĩa, nhằm tri ân, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp tích cực của các nhân tố tiêu biểu; đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển cây cao su. Đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ họ tiếp tục gắn bó với ngành, với nghề.
6. Lần đầu VN có đại diện làm Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên
Đó là Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bích – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV). Ông Bích sẽ giữ chức Tổng Thư ký ANRPC trong nhiệm kỳ 3 năm 2017 – 2020 và có thể gia hạn tùy thuộc vào đánh giá kết quả công tác. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện làm Tổng Thư ký ANRPC. Đây là niềm vinh dự, đồng thời thể hiện vai trò và uy tín của ngành cao su nước ta khi tham gia các tổ chức quốc tế.
7. VRG quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, đạt nhiều kết quả tích cực
Năm 2016 được xem là năm tái cơ cấu của VRG. Thực hiện đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt, VRG đẩy mạnh thoái vốn có hiệu quả đầu tư ngoài ngành; tập trung nguồn lực vào 4 lĩnh vực chính đã được phê duyệt. Theo lộ trình cổ phần hóa (CPH), trong năm 2016, VRG đã hoàn thành CPH Công ty CP Cao su Bà Rịa và Tân Biên. VRG đang thực hiện CPH đồng thời Công ty Mẹ Tập đoàn cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị hành chính sự nghiệp.
8. Trao chứng nhận Nhãn hiệu Cao su Việt Nam lần thứ nhất
Trao chứng nhận Nhãn hiệu Cao su Việt Nam cho các đơn vị. Ảnh: Tùng Châu
Tối 09/12/2016, tại TP.HCM, Hiệp hội Cao su VN tổ chức Họp mặt Doanh nhân Cao su VN năm 2016 và trao chứng nhận Nhãn hiệu Cao su Việt Nam lần thứ nhất cho 6 doanh nghiệp: Phước Hòa, Đồng Nai, Hàng Gòn, Dầu Tiếng, Đăk Lăk, Phú Riềng. Việc áp dụng Nhãn hiệu Cao su Việt Nam được xem như một chứng nhận, xác tín về chất lượng hàng hóa, uy tín doanh nghiệp đồng thời tạo độ tin cậy cho đối tác nước ngoài khi chọn cao su nhập khẩu, đặt hàng từ các doanh nghiệp VN.
9. VRG đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến gỗ; khánh thành nhà máy chỉ sợi V.R.G SADO
Ngày 22/01/2016, Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị tổ chức khởi động đưa vào vận hành dây chuyền 2 của nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG với tổng số vốn gần 1.397 tỷ đồng, nâng tổng sản lượng gỗ nguyên liệu đầu vào lên 400 nghìn tấn/năm. Ngày 14/3/2016, VRG tổ chức khánh thành Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang, đến nay đã đi vào sản xuất thương mại. Cũng trong năm 2016, Nhà máy gỗ MDF VRG – Dongwha khởi công dây chuyền 2 có công suất 180.000m³/năm với mức đầu tư 70 triệu USD, đến năm 2017 sẽ đi vào hoạt động, giúp Công ty CP MDF VRG – Dongwha trở thành đơn vị lớn nhất châu Á trong ngành sản xuất MDF.
Ngày 24/3/2016, Công ty CP Chỉ sợi cao su V.R.G SADO (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Tổng công ty (TCT) Cao su Đồng Nai, TCT Công nghiệp Sài Gòn và Công ty CP Cao su Bến Thành) đã đưa Nhà máy chỉ sợi cao su vào hoạt động. Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 630 tỷ đồng, với 2 dây chuyền thiết bị hiện đại công nghệ châu Âu, công suất gần 6.000 tấn sản phẩm chỉ sợi/năm.
10. Tổ chức hội thao CNLĐ tại 6 khu vực
Hội thao CNLĐ VRG năm 2016 lần đầu tiên tổ chức tại 6 khu vực, thi đấu 7 môn, trong đó lần đầu mở rộng cho đối tượng tham dự là CNLĐ các đơn vị ở Campuchia. Dù ngành cao su đang gặp khó khăn do giá bán cao su giảm, nhưng quan điểm của lãnh đạo VRG và Công đoànCao su VN là phải duy trì các phong trào truyền thống, trong đó có phong trào thể dục thể thao.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>