Thông tin >> Nhãn hiệu "Cao su Việt Nam"

VRA sửa đổi Quy chế và Quy trình về Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber”

12/07/2018

 Hiệp hội Cao su Việt Nam đã ban hành Quy chế (sửa đổi lần 2) về quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber” tại Quyết định số 143/QĐ-HHCS ngày 9/7/2018 và Quy trình (sửa đổi) thẩm định quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber” tại Quyết định số 144/QĐ-HHCS ngày 9/7/2018.


 Quy chế và Quy trình về Nhãn hiệu chứng nhận được xây dựng từ năm 2016, là cơ sở để Hiệp hội tiếp tục tiến hành việc thẩm định chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber” cho những sản phẩm đạt tiêu chí của Hiệp hội và tiến đến xây dựng Thương hiệu ngành cao su Việt Nam.

Trong quá trình áp dụng thực tế trong năm 2016 – 2017 đã phát sinh nhu cầu sửa đổi để hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với chất lượng và uy tín sản phẩm. Tại cuộc họp ngày 24/11/2017, Hội đồng thẩm định Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã đề nghị Văn phòng Hiệp hội và các ban chuyên môn triển khai thực hiện sửa đổi Quy chế, Quy trình này. Ban Tư vấn phát triển ngành cao su đã dự thảo và hiệu chỉnh theo các góp ý của Hội đồng thẩm định, Tổ Chuyên gia đánh giá cao su thiên nhiên và Văn phòng Hiệp hội. Những điểm sửa đổi chủ yếu như sau:
1.    Quy chế
-        Bỏ quy định về việc “Đơn vị phải sản xuất tại Việt Nam..” mà là “Đơn vị hoạt động hợp pháp tại Việt Nam” để tăng khả năng mở rộng việc cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam cho các Hội viên ở khu vực Lào, Campuchia.
-        Tăng thêm yêu cầu về việc Đơn vị tự kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN, tại phòng VILAS của Đơn vị hoặc thông qua hợp đồng với phòng VILAS khác.
-        Thêm Điều 10 về nội dung uy tín của sản phẩm mang nhãn hiệu, gồm các tiêu chí đáp ứng xu hướng phát triển bền vững, tăng cường trách nhiệm về xã hội và môi trường của doanh nghiệp, có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
2.    Quy trình
-        Quy định cụ thể về hồ sơ bắt buộc để làm điều kiện loại trừ: Nhãn hiệu riêng của Đơn vị được bảo hộ, đảm bảo tự kiểm soát chất lượng theo TCVN và ISO.
-        Nâng hệ số của tiêu chí Phòng kiểm nghiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm.
-        Thêm tiêu chí đánh giá hiệu quả, trách nhiệm trong việc thu mua, gia công mủ tiểu điền.
-        Số điểm đạt phải từ 70% trở lên trên số điểm tối đa.
Ngoài ra còn có một số sửa đổi khác cho phù hợp và hoàn chỉnh hơn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đang nghiên cứu xây dựng quy trình thẩm định đối với gỗ cao su và sản phẩm công nghiệp cao su nhằm mở rộng đối tượng được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber” trong tương lai.
Vui lòng tải Quy chế và Quy trình theo đường link.
Hiệp hội Cao su Việt Nam


Quay về Tải về...

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>