Hoạt động

Tham gia hội thảo trực tuyến “Các-bon trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp”

05/04/2022

Ngày 17/3/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia hội thảo trực tuyến “Các-bon trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp” do Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Châu Á (GrowAsia) tổ chức, nhằm thảo luận và chia sẻ về các rào cản, thách thức và cơ hội trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN). 


Buổi hội thảo thuộc khuôn khổ các hoạt động của GrowAsia dành cho cộng đồng thực hành các biện pháp theo Hướng dẫn của Hiệp hội Các quốc gia ASEAN về Thúc đẩy Đầu tư có trách nhiệm vào Lương thực, Nông nghiệp và Lâm nghiệp (ASEAN RAI).

Việc mở rộng nhanh chóng và quản lý không bền vững đất nông nghiệp là 1 trong những tác nhân lớn nhất gây nên biến đổi khí hậu cũng như suy thoái môi trường. Để đạt được những mục tiêu giảm phát thải, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp cần bắt đầu bằng việc hiểu quá trình phát thải các-bon trong chuỗi giá trị. Dấu chân các-bon (carbon footprint) là khái niệm chỉ tổng lượng phát thải khí nhà kính xuyên suốt vòng đời sản phẩm, bao gồm chất carbon dioxit (CO2) – loại khí mà con người thải ra nhiều nhất, và những loại chất khác như khí metan (CH4), nitơ oxit (N2O), lưu huỳnh hexaflorua (SF6),…. Điều này có nghĩa là để đo lường dấu chân các-bon, bên cạnh việc đánh giá quá trình sản xuất sản phẩm, lượng phát thải của hoạt động sản xuất và phân phối nguyên liệu thô cũng như quá trình lưu trữ, phân phối, sử dụng và xử lý sản phẩm hết tuổi thọ cũng cần được xem xét. Đo lường dấu chân các-bon giúp xác định cơ hội để giảm thiểu chi phí và chất thải, giảm rủi ro và cải thiện tính bền vững của chuỗi giá trị. Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm, phát thải liên quan đến đất đai của ngành lâm nghiệp, đất đai và nông nghiệp (FLAG) còn có thể đến từ:
·         Thay đổi mục đích sử dụng đất, được định lượng từ những thay đổi về trữ lượng các-bon (sinh khối, bể chứa các-bon trong đất) trong khoảng thời gian 20 năm, bao gồm cả phát thải liên quan đến thức ăn chăn nuôi
·         Quản lý đất đai: bao gồm việc sử dụng phương tiện di chuyển trên nông trại, hóa chất (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…)
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên (nature-based solutions – NBS, tức quản lý theo hướng bền vững và ứng dụng đặc điểm, quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức về môi trường – xã hội) không thể thay thế hoặc trì hoãn việc cấp thiết giảm thiểu lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của xã hội về mục tiêu Net Zero. Các chuyên gia cũng đề xuất một số hoạt động phù hợp để khối ngành FLAG có thể giúp lưu trữ và giảm lượng COgiải phóng ra khí quyển như sau:
Trồng rừng
Thực hiện canh tác ở những nơi không có thực vật thân gỗ trong 10 năm trở lại đây, nâng diện tích có rừng cây che phủ lên 30% (kết hợp giữa rừng trồng và tái sinh rừng tự nhiên)
Chuyển đổi sang các hệ thống nông lâm kết hợp
Kết hợp cây cối với cây lương thực
 
Trữ các-bon hữu cơ trong đất
Hấp thụ các-bon bằng cách chuyển từ sang biện pháp quản lý không cày xới
Sản xuất than củi
Cải tạo đất nông nghiệp bằng than củi làm từ phụ phẩm cây trồng cũng giúp hấp thụ các-bon
Trồng hàng rào sinh học
Trồng cây làm hàng rào
 
Quản lý rừng
Tăng năng suất rừng trồng bằng cách cải tiến quản lý, tỉa thưa, v.v.
Trong nhiều lĩnh vực, các công ty thuộc khối tư nhân nắm giữ kiến thức, năng lực và công nghệ để giảm phát thải thông qua việc sử dụng công nghệ mới và thực hành phương pháp quản lý được cải tiến, đồng thời đây cũng là đối tượng có năng lực đầu tư. Việc cung cấp công cụ thích hợp để khối tư nhân tiếp cận thị trường các-bon là hướng đi quan trọng để tận dụng tài chính, nguồn lực từ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy công cuộc giảm phát thải.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>