Hoạt động

Tham gia Hội nghị trực tuyến: Phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu

16/05/2022

Ngày 22/4/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia hội nghị trực tuyến “Phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức. 


Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cùng hơn 330 đại biểu đến từ các viện, trường, các hiệp hội; Sở NN&PTNT các tỉnh…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: M.H.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có 5.580 DN sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Các DN chế biến gỗ tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ, chiếm trên 42% tổng số DN cả nước; khu vực Nam Trung bộ chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh khu vực phía Bắc nơi có các làng nghề truyền thống như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ đạt đến 15,96 tỉ USD, tăng 20.7% so với năm 2020, đóng góp lớn vào giá trị của nền kinh tế.  
Trao đổi tại Hội nghị, trồng rừng có chứng chỉ bền vững tại Việt Nam đã được nêu ra bàn luận. Hiện đang tồn tại 2 hệ thống chứng chỉ rừng bền vững tại Việt Nam là FSC và VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam, đã được Tổ chức PEFC công nhận vào cuối năm 2020). Tính đến hết tháng 3/2022 Việt Nam có 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC. Phần diện tích đạt chứng chỉ FSC này bao gồm một số diện tích là rừng tự nhiên; phần còn lại là rừng trồng. Toàn bộ các diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC là các diện tích cao su thuộc các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Bên cạnh các khía cạnh thuận lợi như: cầu của thị trường đối với nguồn gỗ có chứng chỉ FSC; giá gỗ FSC cao hơn giá gỗ không có chứng chỉ, vẫn tồn tại một số rào cản mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình thực hiện và duy trì FSC, như: nhóm rào cản về đất đai; nhóm rào cản về kỹ thuật; nhóm rào cản về thị trường; nhóm rào cản về thể chế, chính sách.
Viên nén, mặt hàng mới nổi của Việt nam cũng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ), với lượng xuất mỗi năm trên 3 triệu tấn và trên dưới 400 triệu USD về kim ngạch. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường thiêu thụ viên nén của lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 95% tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước. Mặc dù đã trở thành mặt hàng quan trọng, đến nay sản xuất và thương mại viên nén chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng tại Việt Nam. Thiếu thông tin về ngành dẫn đến hạn chế tính minh bạch của chuỗi cung mặt hàng này. Điều này là nguyên nhân cho các rủi ro của chuỗi cung hiện nay. Để ngành viên nén Việt Nam có thể phát triển được bền vững trong tương lai, thông tin về ngành và các hạn chế liên quan cần được quan tâm, giải quyết.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị cần thay đổi nhận thức về rừng trồng, phải nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng vì nguồn đất ngày càng hạn hẹp. Công tác giống vẫn cần phải chấn chỉnh toàn diện ngay từ khâu chọn giống, làm giống cho rừng trồng, kiểm soát chất lượng giống. Đồng thời, cần phải có sự liên kết xây dựng hệ thống dữ liệu cung – cầu đối với gỗ nguyên liệu nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và cam kết giảm phát thải.

Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Quốc Đạt)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>