Hoạt động

Tham gia Đối thoại trực tuyến: Hướng đi cho ngành cao su thiên nhiên bền vững

16/05/2022

Ngày 28/4/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia buổi tọa đàm trực tuyến “Hướng đi cho ngành cao su thiên nhiên bền vững” do TechnoBiz tổ chức dưới sự chủ trì của ông Jom Jacob, Chuyên gia về ngành cao su và sự tham gia chia sẻ của ông Stefano Savi, Giám đốc Nền tảng toàn cầu về Cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR) nền tảng quốc tế hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của tính bền vững trong chuỗi giá trị cao su thiên nhiên (CSTN), giải quyết vấn đề xoay quanh chuyển đổi rừng và hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học, vi phạm quyền con người và quyền lao động cũng nhu sự bất bình đẳng trong chuỗi cung ứng.


Ông Stefano Savi cho biết, trong môi trường thay đổi liên tục và nhanh chóng hiện nay, quy định, chuẩn mực cũng như mục tiêu liên quan đến tính bền vững cũng sẽ cần được điều chỉnh liên tục để phù hợp với bối cảnh. Vì vậy, hướng đi cho sự phát triển bền vững trong ngành CSTN cũng sẽ không cố định, và các bên tham gia trong ngành cần cập nhật thông tin để có thể điều chỉnh cam kết, định hướng, chính sách nhằm thích ứng trong dài hạn với những xu hướng, yêu cầu của thị trường. Châu Âu và Hoa Kỳ đang ngày càng thắt chặt, nâng cao những quy định liên quan đến bền vững, truy xuất nguồn gốc và thu mua có trách nhiệm; đồng thời GPSNR cũng ghi nhận sự tham gia của các thành viên đến từ Trung Quốc, đây cũng là tín hiệu cho thấy sự quan tâm của thị trường này với các vấn đề bền vững có chiều hướng gia tăng.

Ông Jom Jacob, đại diện TechnoBiz và ông Stefano Savi trao đổi tại buổi tọa đàm
Ông Stefano Savi chia sẻ thêm, khi gia nhập GPSNR, thành viên mới sẽ phải ký cam kết duy trì 12 Nguyên tắc CSTN bền vững. GPSNR cũng phát triển một khung chính sách để hỗ trợ  thành viên đưa 12 Nguyên tắc vào thực tiễn hoạt động, hình thành các cam kết cụ thể, có thể được thực hiện, giám sát và đo lường. Khung chính sách được thông qua bởi phương pháp bầu chọn, với sự tham gia biểu quyết của các nhóm thành viên đại diện cho các bên trong ngành, từ các hộ tiểu điền, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà chế kiến, kinh doanh tới các nhà sản suất lốp, sản xuất ô tô và các bên tiêu thụ khác. Dù các nhóm thành viên không thể đại diện cho toàn bộ thị trường, nhưng GPSNR đã nỗ lực để thu hút sự tham gia đa dạng của tất cả các bên từ các phần khác nhau trong chuỗi cung ứng nhằm ghi nhận những góc nhìn, ý kiến đa chiều, hướng đến mục tiêu đem lại lợi ích cho toàn ngành. Khung chính sách hiện được áp dụng cho các thành viên là doanh nghiệp, và GPSNR dự định trong tương lai sẽ đơn giản hóa cũng như điều chỉnh để khung chính sách phù hợp với thành viên là hộ tiểu điền.
Nhằm phát triển các giải pháp khuyến khích phát triển bền vững, GPSNR cũng đang xem xét việc xây dựng một quỹ ủy thác hoạt động nhằm đánh giá và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi giá trị. Vì mỗi nơi sẽ có thách thức riêng, ông Stefano Savi hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục nhìn thấy các doanh nghiệp, tổ chức nhìn nhận được những lỗ hổng tại chính quốc gia, khu vực của mình và nỗ lực phát triển các cam kết, giải pháp thích hợp. Với sự hỗ trợ chi phí từ một số tổ chức phát triển, phí thành viên, đóng góp khác từ các doanh nghiệp thành viên, GPSNR cũng đang thực hiện dự án tại một số quốc gia, tìm kiếm các giải pháp vừa giải quyết thách thức tại địa phương, vừa phù hợp với khung chính sách quốc tế. Tại Thái Lan, với sự đồng hành của Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT), GPSNR đang xem xét việc triển khai mô hình nông lâm kết hợp thí điểm, hướng tới đa dạng hóa thu nhập cho đối tượng tiểu điền. Tại Indonesia, GPSNR hỗ trợ ngành cao su nội địa nghiên cứu và cải thiện phương pháp phòng chống bệnh hại trên các vườn cây, đồng thời cũng kết nối với các bên khác trong chuỗi giá trị để tìm kiếm cách bảo đảm thu nhập, khuyến khích lao động tham gia ngành cao su.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>