Hoạt động

Tham dự Hội thảo Tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại TP. HCM giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2016 – 2020

14/01/2016

 Ngày 20/11/2015, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội thảo “Tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2016 – 2020” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.


 Hiệp định TBT là một trong 29 văn bản pháp lý thuộc Hiệp định WTO, quy định nghĩa vụ của các thành viên nhằm đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại. Mạng lưới TBT Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong phạm vi quản lý để gửi cho bên liên quan ở trong nước và nước ngoài, giúp các doanh nghiệp hiểu và vượt qua các rào cản kỹ thuật trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, ông Trịnh Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM – đánh giá việc thực hiện Đề án TBT giai đoạn 2011 – 2015 tại TP.HCM đã góp phần đảm bảo lợi ích kinh tế thương mại của TP.HCM trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Qua các hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quán đến áp dụng hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam, hệ thống khung pháp lý về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã dần được hoàn thiện và phù hợp với quốc tế. Hệ thống TCVN hiện nay cơ bản đã hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Hiện có khoảng 8.600 TCVN cho 98 lĩnh vực với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 45%.
Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng – cũng nhận định các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đã giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về TBT cũng như đối phó với các khó khăn trở ngại tại thị trường xuất khẩu, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng việc thực hiện Đề án TBT còn nhiều hạn chế. Theo ông Hà, nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về TBT, những thách thức cũng như cơ hội đi cùng. Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa xem trọng TBT ở các nước có hàng xuất khẩu, nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp đôi khi bị chính những TBT cản trở, gây rủi ro, thiệt hại. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Ông Hà cũng cho biết, nhu cầu về thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các nước về các nhóm, ngành hàng cụ thể của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi đó các cán bộ TBT hiện rất thiếu nguồn thông tin cụ thể, chính xác nên hầu hết chỉ tìm và cập nhật từ các nguồn tin không chính thức trên mạng.
Ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM – cũng chia sẻ một thông tin đáng báo động rằng tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến và cải tiến chất lượng còn thấp. Đơn cử như ngành giày da, số doanh nghiệp áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất hiện đại còn rất ít như ISO (17%), 5S (7%), Kaizen (3%), LEAN (4%). Tương tự, gần 61% doanh nghiệp cơ khí không áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, doanh nghiệp cao su – nhựa cũng chủ yếu quản lý theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó, hệ thống các phòng xét nghiệm, thử nghiệm (LAB) để kiểm định chất lượng còn khá phân tán và cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các ISO và các biện pháp quản lý tiên tiến khác chỉ ở mức 30 triệu đồng/doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ nhỏ trong chi phí thực tế; hay việc áp dụng VietGAP, GlobalGAP… cũng tốn chi phí rất lớn so với các hợp tác xã, nông hộ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện nay mới chỉ tập trung vào các vấn đề tài chính, tín dụng. Do đó, ông An cho rằng cần có sự gắn kết chặt chẽ của các chương trình hỗ trợ và định hướng theo kết quả đầu ra.
Cụ thể, đối với các ngành ưu tiên trong Chương trình kích cầu hoặc Chương trình hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ của thành phố, doanh nghiệp tham gia chương trình ngoài việc được hưởng lãi suất ưu đãi còn được yêu cầu hỗ trợ về xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến (ISO, 5S…) hoặc các biện pháp quản lý chất lượng khác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống LAB hiện đại nhằm hỗ trợ việc xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại và kiểm soát chất lượng hàng hóa nói chung và hàng nhập khẩu nói riêng.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam trích nguồn (Danh Võ), nguồn: http://www.baohaiquan.vn/Pages/Thuc-thi-Hiep-dinh-TBT-de-day-manh-xuat-khau.aspx



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>