Hoạt động

Tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành trồng trọt trong quá trình triển khai các Hiệp định Thương mại tự do FTA”

18/08/2016

Ngày 07/7/2016, tại TP.HCM, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành trồng trọt trong quá trình triển khai các Hiệp định Thương mại tự do FTA” do Bộ Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.


 

Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành trồng trọt trong quá trình triển khai các Hiệp định Thương mại tự do FTA”, 07/7/2016, TP.HCM
Theo phát biểu khai mạc Hội thảo của ông Vũ Văn Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững. Từ sau khi thực hiện tái cơ cấu, các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng. Trong 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có đến 7 mặt hàng là sản phẩm trồng trọt, bao gồm: gạo, hồ tiêu, điều, rau quả, cao su, cà phê, sắn. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia ký kết, triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế, lợi thế mở cửa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.
Ông Mai Văn Trung – Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – trình bày báo cáo về “Định hướng phát triển và tái cơ cấu ngành trồng trọt giai đoạn 2015 – 2020”. Phương pháp thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt là xác định cây trồng chủ lực có lợi thế; xây dựng Quy hoạch, Đề án, Dự án, cơ chế chính sách để thực hiện; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu diễn ra rộng khắp trên địa bàn cả nước. Sau 3 năm triển khai tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt được duy trì (năm 2012: 3,0%; năm 2013: 2,3%; năm 2014: 2,5%; năm 2015: 1,6%). Để tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nhanh, cần phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tạo động lực phát triển, tập trung vào một số nội dung như: Nhận thức, cơ chế chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư thủy lợi, tổ chức sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Riêng ngành cao su, cần tập trung rà soát quy hoạch để ổn định diện tích cao su hiện có nhằm giảm sức ép về lượng tiêu thụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, mở rộng thị trường xuất khẩu cao su ngoài thị trường truyền thống. Trong mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, điều, hồ tiêu, cao su, cà phê, rau quả…
Trong báo cáo “Các lợi thế và thách thức trong cam kết thuế quan, hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam trong các FTAs – Tận dụng lợi thế và hạn chế thách thức”, bà Phạm Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế, Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – đã giới thiệu về mạng lưới các FTAs mà Việt Nam cũng như ASEAN đã ký kết hoặc đang đàm phán cũng như khái quát về các đặc điểm, kết quả chính tác động đến nông sản Việt Nam, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa cho nông sản Việt Nam. Trong báo cáo, ngành cao su cùng với các nông sản như cà phê và điều, được nhận định là đạt được tác động tích cực do các FTAs mang lại ở mức độ trung bình, với các cơ hội mở rộng thị trường nhưng vẫn còn đối diện với thách thức là công nghệ chế biến. Theo bà Hạnh, các giải pháp cần triển khai là thực hiện tốt chính sách tái cơ cấu ngành trồng trọt, xây dựng hệ thống quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sản phẩm, tập trung đầu tư phát triển công nghệ xử lý và bảo quản sau thu hoạch, xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm, tập trung nâng cao năng lực và giá trị gia tăng để tạo lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước...
Hội thảo cũng đề cập đến “Thực tế áp dụng các biện pháp về vệ sinh và kiểm dịch thực vật trong thương mại sản phẩm trồng trọt” đối với trái cây Việt Nam qua báo cáo của Thạc sĩ Phan Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các đại diện từ Tổng Công ty, Hiệp hội ngành hàng cũng đã phát biểu tham luận tại Hội nghị.

 

 Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>