Hoạt động

Hội thảo “Tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với mặt hàng cao su”

04/07/2016

Ngày 30/6/2016, Hiệp hội Cao su VN (VRA) phối hợp với Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “Tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với mặt hàng cao su” với sự tham gia trình bày của báo cáo viên đến từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).


Tham dự Hội thảo có ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, ông Lê Ngọc Trung – Phó Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) – và đại diện của một số Hội viên, Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su cùng với cán bộ Văn phòng Hiệp hội, Văn phòng Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cao su…

Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, Trưởng Ban XNK Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam –phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Võ Hoàng An nhấn mạnh, việc Việt Nam thực hiện các cam kết trong khuôn khổ đàm phán TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, bên cạnh những thuận lợi, sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sức ép cạnh tranh gay gắt do mở cửa thị trường, trong khi năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó ngành cao su cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu và là nhu cầu cấp thiết mà Việt Nam cần thực hiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, việc trang bị kiến thức về các hiệp định thương mại tự do và TPP trước khi TPP có hiệu lực là rất quan trọng đối với doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam, đặc biệt những ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan, để chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức mà các hiệp định mang lại. 
Tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Trung cho biết, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng là một trong số các chương trình hoạt động, nhiệm vụ chính trị của Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) trong xu hướng Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế. Đại diện Ban tổ chức cũng mong muốn Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin tổng thể và hữu ích về TPP và các FTA khác. Từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt, khai thác thêm các yêu cầu nghiệp vụ để chủ động tìm ra các giải pháp chuẩn bị phù hợp trong các lĩnh vực hoạt động của ngành cao su.
Ông Lê Ngọc Trung – Phó Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) – phát biểu tại Hội thảo
 
Trình bày tại Hội thảo, bà Bùi Kim Thùy – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) –đã giới thiệu một số chuyên đề như: “Hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA Việt Nam là thành viên”, “ Cơ hội và thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế”, “TPP và các FTA đối với xuất nhập khẩu”… trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các chủ đề về “Tầm quan trọng của Quy tắc xuất xứ” và “Làm cách nào để tận dụng ưu đãi từ các FTA?”
                                             
Theo đó, ưu đãi thuế quan trong TPP cũng như các FTA khác luôn có những điều kiện đi kèm, một trong số các điều kiện cần và rất quan trọng đối với hàng hóa đó là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ.
 
Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với cao su nguyên liệu, sản phẩm cao su với các mã HS – Hệ thống hài hòa (hải quan) – 4001 đến 4017, HS 5604 (chỉ thun bọc vật liệu), HS 6406 (Giày dép cao su), HS 9404.21 (nệm gối), HS 9506.60 (bóng bơm hơi) được Diễn giả so sánh tóm tắt theo quy định của từng FTA mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó, TPP quy định về quy tắc xuất xứ áp dụng cho sản phẩm chỉ thun bọc vật liệu (HS 5604) và giày dép (HS 6406) được nhận định là khá chặt do quy định về các quy tắc chuyển đổi chương cùng với điều kiện sử dụng nguyên liệu trong TPP. 
 
Bà Bùi Kim Thùy – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) – trình bày tại Hội thảo
 
Quy tắc xuất xứ trong TPP theo các tiêu chí chính đó là: Bộ quy tắc xuất xứ chung và thuế riêng; thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực nhằm đảm bảo các thành viên TPP phải là những người được hưởng lợi chính, thay vì các nước không phải thành viên của Hiệp định này; cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho phép nhà sản xuất – xuất khẩu, nhà xuất khẩu đơn thuần (không sản xuất) và nhà nhập khẩu có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa. Theo bà Bùi Kim Thùy, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong TPP thể hiện thêm sự vượt trội của Hiệp định này so với các FTA khác. Tuy nhiên, “để đạt được điều này, doanh nghiệp cần cử cán bộ chuyên môn tham dự các chương trình tập huấn do Bộ Công Thương tổ chức và đáp ứng các yêu cầu liên quan. Doanh nghiệp phải tổ chức lưu trữ hồ sơ trong 5 năm để phục vụ cho việc hậu kiểm, vì nếu cơ quan hải quan, hoặc cơ quan thực thi của nước thành viên đối tác yêu cầu kiểm tra và phát hiện có sai phạm trong việc tự chứng nhận xuất xứ thì sẽ bị chế tài rất nặng, không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến ngành hàng. Doanh nghiệp cần dành thời gian và nguồn lực để vận dụng các quy định này một cách chính xác, hiệu quả” – bà Thùy nhấn mạnh.
 
 
Bên cạnh đó, để tận dụng ưu đãi từ các FTA, qua Hội thảo, doanh nghiệp được lưu ý các bước nhằm thực hiện các mục tiêu chính, đó là: Bắt buộc phải nắm vững mã HS của nguyên liệu; đáp ứng quy tắc xuất xứ FTA; có chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi – đây là chứng từ pháp lý quan trọng nhất để xem xét việc cho hưởng thuế quan ưu đãi; được hưởng ưu đãi thuế quan; khuyến khích việc tìm kiếm nguồn nguồn nguyên liệu trong phạm vi FTA, kích thích xuất nhập khẩu, tăng cường thương mại tại các nước thành viên FTA.
 
Quang cảnh Hội thảo “Tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với mặt hàng cao su”
 
Khi Việt Nam là thành viên các FTA, các nhà máy chế biến lốp xe và sản phẩm cao su tại VN có thể chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu khi chất lượng được đảm bảo, giá cả cạnh tranh và chủng loại phù hợp hơn. Tuy nhiên, liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi cho Diễn giả, đó là việc nhập khẩu cao su nguyên liệu từ các nước ngoài khối như Lào, Campuchia, hay nhập kim loại, hóa chất của Trung Quốc để sản xuất sản phẩm cao su trong nước có được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước thành viên khác của FTA hay không. Bà Thùy cho biết, để được hưởng ưu đãi theo quy định của từng FTA, trong đó bao gồm TPP, hàm lượng giá trị khu vực (RVC) thường được quy định và có thể kèm theo một số điều kiện tùy vào FTA. Đối với cao su, RVC quy định với các mức khác nhau trong các FTA như RVC 35, RVC 40, RVC 45/55 (quy định số phần trăm sau khi tính hàm lượng giá trị khu vực). Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào cần phải biết rõ mã HS để tính toán việc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTH) khi tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến để xét khả năng được hưởng ưu đãi theo quy tắc xuất xứ của từng FTA hướng đến. Có nhiều phương pháp tính RVC mà doanh nghiệp cần nghiên cứu hoặc tham vấn thêm từ các chương trình tập huấn riêng về chuyên đề này để có cách tính và sự chuẩn bị trước sao cho có lợi nhất đối với thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
 
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>