Hoạt động

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh

26/04/2019

 Ngày 18/3/2019, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranhdo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương tổ chức.


 Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Ông Lê Thanh Sơn – Phó trưởng phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, còn có đại diện các hãng luật, sở ban ngành liên quan, các chuyên gia về xử lý vi phạm, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp.

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại phiên họp ngày 12/6/2018, kỳ họp thứ V, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Nhằm triển khai Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cạnh tranh theo Quyết định số 851/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã được giao xây dựng Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh để trình Chính phủ.
Dự thảo nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 71/2014/NĐ-CP đã ban hành ngày 21/7/2014. Dự thảo bổ sung các quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; sửa đổi cách tính mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm và một số quy định khác về hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm. Dự kiến văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó,dự thảo nêu rõ, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo; phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh; c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên không xác định được hoặc bằng 0 thì áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng.
Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt xác định theo quy định được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng 15%. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về dân sự.
Trong phần lấy ý kiến đóng góp, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn một số quy định như việc áp dụng ngoài lãnh thổ, áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong luật cạnh tranh mới (Điều 1 và 2); Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng (Điều 6); Khả năng thực thi của Hành vi mua lại doanh nghiệp cấm (Điều 13), Hành vi liên doanh giữa các doanh nghiệp bị cấm (Điều 14) và Hành vi không thông báo tập trung (Điều 15); Điều chỉnh lại các mức phạt cho phù hợp hơn với luật mới..
Kết thúc Hội nghị, Cục ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiến hành xem xét lại các quy định, mức độ ảnh hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện Nghị định. Hiện dự thảo đang được thu thập ý kiến nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương.
 Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Vân Quỳnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>