Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững: Hợp tác trong chuỗi cung ứng cao su”

08/05/2023

Ngày 26/4/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững: Hợp tác trong chuỗi cung ứng cao su” do PEFC tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin về cách chứng chỉ PEFC đóng góp vào chuỗi giá trị cao su bền vững, đồng thời làm rõ thêm thực trạng sản xuất cao su bền vững tại các nước Đông Nam Á. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các bên liên quan trong ngành, cũng như ghi nhận sự quan tâm của đại diện bên tiêu thụ mủ và gỗ cao su tại thị trường Nhật Bản.
 


Tính đến tháng 11/2022, chứng chỉ PEFC nhận được sự công nhận của 48 hệ thống chứng nhận cấp quốc gia trên toàn cầu và được cấp cho 22 ngàn công ty tại 70 quốc gia, với diện tích lên tới 288 triệu ha, tương đương 71% diện tích rừng được chứng nhận trên toàn thế giới. Đối với ngành cao su thiên nhiên (CSTN), tính đến quý I năm 2023, đã có 114.608 ha diện tích cao su được chứng nhận PEFC tại Việt Nam, 1.053 ha được chứng nhận tại Thái Lan và dự kiến tới cuối năm 2023, sẽ có 5 ngàn ha cao su được chứng nhận tại Indonesia. Chứng chỉ PEFC cũng nhận được đánh giá cao theo khuôn khổ Hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp (ASEAN RAI). Theo tư vấn Ủy ban đánh giá thu mua gỗ (TPAC) tới Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, PEFC cũng được đánh giá phù hợp với các tiêu chuẩn, nguyên tắc và Tiêu chí của Tiêu chuẩn Thu mua Hà Lan. Ngoài ra, PEFC cũng góp phần giúp các doanh nghiệp, tổ chức đạt các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc thông qua đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường.
PEFC cũng đang triển khai các hình thức, dự án chứng nhận cho nhóm hộ, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hộ tiểu điền tiếp cận các phương pháp thực hành nông nghiệp tốt, đạt các chứng chỉ về bền vững thông qua xác định cấp độ cảnh quan, lợi ích và nhu cầu chung; chia sẻ tài nguyên, vai trò và trách nhiệm; phát triển quan hệ, hợp tác nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực. Theo ông Richard Laity, Giám đốc PEFC khu vực Đông Nam Á, bên cạnh thông tin, kiến thức về xu hướng thị trường, chi phí vẫn là rào cản lớn đối với việc đạt chứng chỉ của tiểu điền cao su. Tuy nhiên, hình thức chứng nhận cho nhóm hộ có thể là giải pháp cho thách thức này. Ông Richard Laity cũng đánh giá diện tích từ 4 ngàn ha là phù hợp để chia sẻ chi phí, trách nhiệm đối với hình thức chứng nhận nhóm. Chứng nhận nhóm cũng có thể được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên khác nhau trong chuỗi cung và có thể được thực hiện cho cả chứng nhận rừng bền vững và chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm (CoC).
Hội thảo cũng chia sẻ thông tin về một số dự án thực tế của PEFC. Tại Indonesia, thông qua việc truy xuất nguồn gốc dựa vào ứng dụng di động, dự án TREE do PEFC triển khai đã ghi nhận số tiểu điền được đào tạo và số vườn cây được quản lý bằng các phương pháp thực hành bền vững gia tăng theo mỗi năm, đồng thời, góp phần cải thiện năng suất, sinh kế, điều kiện lao động của tiểu điền. Tại Thái Lan, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia do Hội đồng chứng chỉ rừng Thái Lan (TFCC) cấp được sự công nhận của PEFC. Với hơn 1 ngàn ha được chứng nhận rừng bền vững và 4 doanh nghiệp có hoạt động trong ngành gỗ cao su, Thái Lan có thể sản xuất 210,6 ngàn m3 gỗ cao su, sẵn sàng cung cấp cho thị trường.

Văn phòng HHCSVN (Hương Giang) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>