Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự lớp tập huấn “Đào tạo giảng viên về cách thức nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu của FLEGT”

29/02/2016

 Từ ngày 05 – 08/01/2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự lớp tập huấn “Đào tạo giảng viên về cách thức nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu của FLEGT” do NEPCon tổ chức tại TP.HCM, nhằm đào tạo các “tổ chức trung gian” trở thành giảng viên tập huấn về gỗ hợp pháp cho các doanh nghiệp. 


 Tham dự lớp tập huấn có đại diện các doanh nghiệp gỗ ở khu vực phía Nam, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và đại diện một số tổ chức phi chính phủ.

Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội dân sự (CSOs) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nhằm đáp ứng các yêu cầu của FLEGT”. Đây là dự án do Liên minh châu Âu tài trợ với tổng số vốn lên đến 450.000 Euro, được thực hiện từ tháng 03/2014 đến tháng 03/2017. Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu trong Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản của EU (FLEGT). Bằng cách cung cấp công cụ hỗ trợ và đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ này thông qua các tổ chức trung gian trọng điểm, Dự án sẽ thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp ở Việt Nam.
Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ phát triển ồ ạt, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện tại ngành công nghiệp chế biến gỗ đang gặp phải nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu của FLEGT. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung thiếu năng lực để đáp ứng các yêu cầu của FLEGT, như việc cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc để truy nguyên chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, khoảng 80% gỗ nguyên liệu được sử dụng trong chế biến ở Việt Nam được nhập khẩu từ nước thứ ba, điều này làm cho việc đảm bảo nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ càng thêm phức tạp. Ngoài ra, các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam phần lớn bao gồm các sản phẩm lắp ráp, điều này cũng làm phức tạp thêm cho việc truy xuất nguồn gốc, giống loài gỗ của các sản phẩm này.
Hiện nay, các doanh nghiệp liên quan đến ngành gỗ tại Việt Nam phần lớn đều chuộng chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, trên thực tế, chứng chỉ FSC không được công nhận chính thức tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, EU chỉ áp dụng Quy chế Gỗ của EU (EUTR). EUTR được áp dụng cho gỗ và các sản phẩm gỗ được đưa vào thị trường EU, có hiệu lực pháp lý tại tất cả 28 quốc gia thành viên EU từ ngày 03/3/2013. EUTR quy định cấm đưa gỗ khai thác bất hợp pháp hoặc sản phẩm gỗ có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp vào thị trường EU, các nhà nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thuộc EU có trách nhiệm giải trình với tổ chức giám sát có thẩm quyền về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Trong thời gian tới, EU sẽ tiến hành giám sát và cấp chứng chỉ FLEGT dựa trên các quy định của EUTR cho nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU. Vì vậy, nếu muốn xuất khẩu gỗ vào thị trường này, nhà xuất khẩu gỗ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng buộc phải đáp ứng các yêu cầu của FLEGT.
Tại lớp tập huấn, tổ chức NEPCon đã truyền đạt đến các học viên kiến thức về chuỗi hành trình sản phẩm, hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ, EUTR… Đặc biệt, học viên đã được hướng dẫn các bước đánh giá sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với FLEGT, các công cụ và cách sử dụng công cụ nhằm giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của FLEGT. Theo đó, bộ công cụ của dự án bao gồm các công cụ về thông tin như hồ sơ rủi ro lâm nghiệp, thông tin về gỗ cao su, thông tin về quản lý lưu trữ thông tin; các mẫu văn bản như sơ đồ chuỗi cung ứng, thư cam kết thực hiện dự án; bảng danh mục sẵn sàng cho FLEGT;… 
Ngoài ra, NEPCon đã tổ chức chuyến thăm thực tế đến Công ty CP Nhất Nam để có thể đánh giá thực tế về sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với FLEGT. Tại chuyến thăm thực tế, các học viên đã áp dụng bộ công cụ của dự án để đánh giá sự sẵn sàng của công ty đối với FLEGT thông qua các chứng từ của Công ty, cũng như khảo sát thực tế tại nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất.
Sau đợt tập huấn, các học viên đã hiểu được sự cần thiết của chứng chỉ FLEGT đối với doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU. Ngoài ra, học viên tham dự lớp tập huấn được trang bị những kiến thức về gỗ hợp pháp, các quy định của EU và yêu cầu của FLEGT, cũng như cách sử dụng bộ công cụ nhằm đánh giá và giúp doanh nghiệp sẵn sàng với yêu cầu của FLEGT.
Thông tin chi tiết về dự án FLEGT và bộ công cụ được cập nhật thường xuyên tại địa chỉ:
http://flegt-tools.org/
http://dehieuflegt.org/
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Chí Dương, Hồng Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>