Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội thảo tham vấn “Góp ý dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam”

23/09/2019

Ngày 09/8/2019, đại diện Văn phòng Hiệp hội đã tham dự Hội thảo tham vấn “Góp ý dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam” do Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tổ chức với sự tài trợ của Chương trình FAO EU FLEGT 


Hội thảo có sự tham dự, đóng góp ý kiến của các đại biểu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo Cục Kiểm lâm, các Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan, đại diện Chương trình FAO EU FLEGT, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp các tỉnh khu vực miền Nam, các chuyên gia, tư vấn.
Ngày 01/6/2019, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa EU và Việt Nam (VPA) có hiệu lực đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa thị trường rộng lớn EU với Việt Nam. Để đảm bảo tuân thủ Hiệp định quan trọng này và hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã và đang soạn thảo, tiếp thu ý kiến tham vấn rộng rãi trong việc xây dựng, trình thông qua các Nghị định, Thông tư liên quan, đặc biệt là Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam.
Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam hướng dẫn triển khai Điều 69 Luật Lâm nghiệp. Việc xây dựng Nghị định này nhằm mục đích tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp luật Lâm nghiệp, tạo khung pháp lý để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam được khai thác, nhập khẩu, mua bán, chế biến, xuất khẩu hợp pháp và từ đó thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ. Đồng thời, việc xây dựng Nghị định này cũng nhằm hài hòa hóa các quy định của các Hiệp ước quốc tế, thỏa thuận song phương mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết. Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến gồm 7 Chương và 28 Điều. Ngoài phần quy định chung, thì Nghị định quy định cụ thể về hồ sơ gỗ nhập khẩu, xuất khẩu; Quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu; Kiểm tra, truy xuất, xác nhận nguồn gốc gỗ và cấp giấy phép FLEGT.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển nhấn mạnh việc xây dựng Nghị định này là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Đây còn là nhận thức sâu sắc và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và các bên liên quan trong vấn đề chống, loại trừ gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp khỏi các chuỗi cung sang các thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước.
Tại các Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về một số nội dung như: về tên gọi của nghị định, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; những khó khăn vướng mắc trên thực tế khi xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu. Các đại biểu cũng đề nghị cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp được phân loại, đồng thời cần chi tiết, cụ thể các tiêu chí phân loại. Đối với việc cấp giấy phép FLEGT, cần quy định theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu gỗ, như việc xem xét cấp phép đối với từng lô hàng hay theo hợp đồng thương mại; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép... Nhiều đại diện doanh nghiệp đã nêu ý kiến thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khiếm khuyết của dự thảo Nghị định. Một số doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cần xem xét, nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thật chi tiết, chặt chẽ; đồng thời đề nghị trước khi ban hành chính thức nên triển khai thực hiện thí điểm.
Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị Cục Kiểm lâm cùng với Ban Soạn Thảo, Tổ Biên tập tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia tại Hội thảo. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục nhận ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định thông qua văn bản hoặc thư điện tử nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định đúng thời gian, trình theo quy định pháp luật.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>