Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017

13/06/2017

 Ngày 17/5/2017, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, đã tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp” được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. 


 Hội nghị đã thu hút sự tham dự trực tiếp của khoảng 2.000 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước; đại diện cơ quan ngoại giao và các định chế tài chính lớn; các hiệp hội ngành hàng; cộng đồng doanh nghiệp, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa; cùng các cơ quan báo chí…

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước. Theo Thủ tướng, những kết quả tích cực bước đầu đạt được trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng vẫn còn khiêm tốn. Do vậy, sẽ cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới bởi còn tồn tại nhiều rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tại Hội nghị năm nay, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về phát triển doanh nghiệp, Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của các đại biểu tham dự, từ đó, cùng bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới để có sự bứt phá trong việc phát triển doanh nghiệp.
Việc ban hành một Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghị quyết 35/NQ-CP được đánh giá có tầm nhìn dài hạn, vừa mang tính toàn diện và đột phá, do đó nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn chung là được một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, một nền tư pháp tạo ra môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho hoạt động của doanh nhân và doanh nghiệp. Do hiện nay, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán, sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.
Hiện nay, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ người thừa hành công vụ còn khá phổ biến, gây cản trở hoạt động kinh doanh, tạo thêm gánh nặng về các chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, một số ý kiến tại Hội nghị mong muốn có sự hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần chung tay cùng với các cơ quan Nhà nước ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng tiêu cực này. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng tập quán, tạo thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, xác định sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với cộng đồng doanh nghiệp Chỉ thị 20/CT-TTgđược ngay sau Hội nghị này, quy định không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Nếu thanh tra đột xuất do vi phạm sẽ không được mở rộng. Chỉ thị này nhằm khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, mà theo phản ánh, có những doanh nghiệp bị cơ quan thanh tra tới 3 lần/năm, thậm chí có doanh nghiệp một năm bị thanh tra, kiểm tra tới 11, 12 lần.
Chỉ thị 20/CT-TTg là bằng chứng cho tinh thần quyết liệt của Chính phủ, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>