Hoạt động

Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức hội thảo “Thị trường cao su thế giới và định vị thương hiệu ngành cao su Việt Nam”

12/01/2017

Ngày 09/12/2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức hội thảo “Thị trường cao su thế giới và định vị thương hiệu ngành cao su Việt Nam”. Đây là sự kiện trong khuôn khổ của Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu, được tổ chức nhằm cung cấp những báo cáo phân tích về tổng quan thị trường cao su thiên nhiên thế giới năm 2016, tình hình giá cao su thiên nhiên và xu hướng, đồng thời giới thiệu về giải pháp xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam để hướng đến phát triển bền vững.


Tham dự Hội thảo gồm có đại diện từ các cơ quan Bộ ngành trung ương, đại diện của những tổ chức cao su thế giới như Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), Công ty Cao su quốc tế (IRCo) và hiệp hội cao su các nước thành viên Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC) cùng đại diện đến từ các doanh nghiệp trồng, chế biến cao su thiên nhiên, các nhà sản xuất sản phẩm cao su và các ngành dịch vụ liên quan.

Theo số liệu thống kê từ ANRPC, trong giai đoạn 2014 – 2016 tốc độ tăng trưởng bình quân nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên là 3,5%/năm, tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng nguồn cung là 0,2%/năm. Do đó, trong báo cáo về tình hình cao su thế giới, ông Jom Jacob – Chuyên gia Kinh tế, ANRPC – nhận định tình hình cung – cầu đã ở trạng thái thuận lợi. Tuy nhiên, nguồn cung tuy tăng chậm nhưng lượng tồn kho tích lũy trong thời gian dài, cùng với diện tích thu hoạch tăng nhanh do diện tích trồng cao su được mở rộng từ năm 2006, vì vậy, giá cao su thiên nhiên hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố thuận lợi này trong ba năm qua.
Bên cạnh hai yếu tố cơ bản cung – cầu, ông Jacob đã cung cấp những cơ sở cho thấy giá cao su còn chịu tác động lớn từ các yếu tố khác như giá dầu thô, tỷ giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên cũng như đồng Yên so với USD và dòng tiền từ các quỹ đầu cơ. Khi thị trường hàng hóa thuận lợi, các nhà quản lý quỹ đầu cơ sẽ dịch chuyển nguồn vốn vào thị trường này, bao gồm mặt hàng cao su, làm giá hàng hóa tăng lên hoặc ngược lại. Vì vậy, ông cho rằng giá cao su thiên nhiên có thể biến động theo xu hướng chung trên thị trường hàng hóa và sự ảnh hưởng lớn từ các yếu tố khác sẽ làm yếu tố cung – cầu có thể đóng vai trò ít quan trọng hơn trong việc định giá cao su thiên nhiên.
Với chủ đề “Tình hình giá cao su thiên nhiên và các xu hướng”, TS. Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su – đã tổng hợp lại một số dự báo giá cao su trong ngắn hạn và dài hạn của một số chuyên gia và tổ chức uy tín trên thế giới. Nhiều nhận định cùng cho rằng giá cao su sẽ tăng lên trong ngắn hạn (đến giữa năm 2017) và sau đó sẽ tiếp tục phục hồi dần về mức trên 2.000 USD/tấn sau năm 2020 nếu tình trạng cung cầu cân đối.
Để tìm hiểu và học hỏi những giải pháp cải thiện giá cao su từ các nước sản xuất lớn trong khu vực, VRA đã mời TS. Suharto Honggokusumo – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Cao su Indonesia – giới thiệu về những giải pháp chiến lược của Indonesia nhằm tăng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên nội địa. Ông cho biết chính phủ Indonesia đang có những dự án phát triển hệ thống giao thông (xây dựng đường bộ, hệ thống cảng biển) và cơ sở hạ tầng nông nghiệp (đập nước, băng cản nước). Kế hoạch phát triển đường bộ và cảng biển sẽ giúp tăng sử dụng gối cầu và đệm cầu cảng, nhờ đó giúp gia tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên nội địa của Indonesia.
Về chủ đề hiện trạng và triển vọng thương hiệu ngành cao su Việt Nam, TS. Trần Thị Thúy Hoa cho biết việc xây dựng thương hiệu cho ngành là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam chưa đồng đều, chưa được định vị vững chắc với khách hàng trong và ngoài nước. Thương hiệu ngành cao su còn giúp khẳng định chất lượng, uy tín của doanh nghiệp, nhờ đó tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như giá trị gia tăng cho toàn ngành. Các sản phẩm được xét chọn mang nhãn hiệu chứng nhận “CAO SU VIỆT NAM / VIET NAM RUBBER” được phân thành 3 nhóm là cao su nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp cao su và sản phẩm gỗ cao su.
Dựa trên kết quả thẩm định và xét chọn đợt 1, VRA đã cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” đối với sản phẩm cao su thiên nhiên của 6 doanh nghiệp Hội viên gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Cao su Phú Riềng, Công ty CP Cao su Phước Hòa và Công ty CP Cao su Hàng Gòn. Trong năm 2017, VRA sẽ tiếp tục nhận đơn đăng ký và xét chọn sản phẩm của Hội viên, doanh nghiệp đạt tiêu chí theo Quy trình thẩm định; nghiên cứu, thực hiện quy trình thẩm định quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” trên sản phẩm gỗ cao su; công bố các sản phẩm, nhà máy và Hội viên, doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận trong năm 2017.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Thanh Danh)
 
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam – phát biểu khai mạc hội thảo
 
Ông Trần Ngọc Thuận trao quà lưu niệm cho các diễn giả


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>